Thương hiệu

Thêm hướng đi cho cây sâm Ngọc Linh

DNVN - Với sự hợp tác giữa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh, cây sâm Ngọc Linh được kì vọng sẽ có những bước đột phá xa hơn, không chỉ dừng lại ở khu vực nội địa mà còn đối với thị trường nước ngoài.

Xây dựng chiến lược thương hiệu: Doanh nghiệp phải biết định vị "chất riêng" / Vì sao khách chọn Huyết Sâm Plus của Bà Lão để sử dụng?

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển bền vững sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu quý Việt Nam, ngày 23/2/2022 vừa qua, tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh do ông Võ Kim Cự làm Viện trưởng. Mục tiêu hợp tác giữa hai đơn vị là nghiên cứu bảo tồn, phát triển bền vững sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam.

Theo ông Võ Kim Cự, hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ, sâm Ngọc Linh Việt Nam có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư...

Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường... Ngoài những giá trị về sức khỏe, sâm Ngọc Linh còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn. Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Ngọc Linh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam.

          PGS.TS. Nguyễn Trung Minh và ThS. Võ Kim Cự ký Bản thỏa thuận hợp tác.

PGS.TS. Nguyễn Trung Minh và ThS. Viện trưởng Võ Kim Cự ký bản thỏa thuận hợp tác.

Nói về vấn đề quản lý, tiêu thụ sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, Viện trưởng Võ Kim Cự cho rằng, xu hướng bảo tồn, phát triển cây sâm ngọc linh là phải đầu tư đồng bộ hóa tạo đầu ra liên tiếp và bền vững, phải kết nối theo chuổi sản xuất hàng hóa từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng phải là dây chuyền khép kín, đầu tư máy móc thiết bị chế biến tiên tiến, hiện đại, hướng tới xuất khẩu nâng tầm giá trị sản phầm sâm ngọc linh của Việt Nam ra tầm thế giới.

Tuy nhiên theo ông Cự, việc quản lý quá trình sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh của các địa phương còn nhiều hạn chế (chưa hình thành và kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra); sản phẩm sâm Ngọc Linh được đưa ra thị trường còn ít, chưa có nhiều sản phẩm chế biến, giá thành còn cao, chỉ có số ít người có điều kiện mới sử dụng được sâm Ngọc Linh. Tình trạng sâm Ngọc Linh giả chưa khắc phục triệt để. Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đã được bảo hộ, nhưng chưa hoàn thiện các công cụ, biện pháp quản lý, sử dụng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ và nâng cao chất lượng sản phẩm(công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, HACCP, VietGAP…).

Công tác marketing sản phẩm sâm Ngọc Linh còn yếu; cơ chế chính sách bảo đảm cho việc bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh chưa đồng bộ, nên phần nào làm cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh thời gian qua còn gặp khó khăn, thiếu tính bền vững. Đặc biệt là việc đánh giá chất lượng sản phẩm chưa có cơ quan khoa học công nghệ tham gia giám sát, nên trên thị trường, Sâm Ngọc Linh giả và thật không được xác định rõ, người tiêu dùng thiếu tin tưởng. Việc thành lập Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh cùng đồng hành với các đơn vị sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh là cơ sở khoa học vững chắc để bảo đảm chất lượng sản phẩm và niềm tin cho người tiêu dùng.

Sau ký kết 2 đơn vị sẽ cùng nhau trao đổi thông tin, tổ chức các hội thảo khoa học, xây dựng quy trình sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm tạo nên sản phẩm đặc hữu của quốc gia, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế xã hội của đất nước. Với sự hợp tác giữa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh, cây sâm Ngọc Linh được kì vọng sẽ có những bước đột phá xa hơn, không chỉ dừng lại ở khu vực nội địa mà còn đối với ngành dược liệu và thực phẩm chức năng thế giới - hiện đang là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

 

Sâm Ngọc Linh đầu tiên được tìm thấy trên núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và xã Mường Hoong, thuộc huyện Đăk Glei; xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Văn Xuôi, Ngọc Yêu huyện Tumorong tỉnh Kontum giữa năm 1968 thuộc thế kỷ XX.

Trước khi phát hiện, các nhà khoa học cho rằng, từ xưa sâm Ngọc Linh đã được người dân tộc Xê Đăng sống trên vùng núi cao Ngọc Linh sử dụng để chữa nhiều loại bệnh và còn được gọi là cây thuốc "Giấu". Đến giai đoạn 1995 - 1998, sâm Ngọc Linh đã bị khai thác quá mức và dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, khan hiếm trong tự nhiên nên không đảm bảo sản lượng để sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Sâm ngọc linh

Theo nghiên cứu khoa học sâm Ngọc Linh là loại cây có thành phần dược chất cao nhất, tốt nhất thế giới.

Nhận thức được tầm quan trọng của sâm Ngọc Linh đối với ngành dược liệu và phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ những năm 1997, được sự khuyến khích của Chính phủ, hai tỉnh Quảng nam và Kon Tum đã tổ chức đánh giá về sâm Ngọc Linh và bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn cây sâm Ngọc Linh tại một số vùng núi cao.

 

Giai đoạn 2004 - 2014, tỉnh Kontum đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”, cho đến nay dự án đã hoàn thành mục tiêu bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, xây dựng thành công vườn sâm giống với diện tích khoảng 15 ha, dự kiến sản xuất khoảng 20 vạn cây giống/năm để phục vụ phát triển sản xuất. Tại tỉnh Quảng Nam, khu vực trồng sâm Ngọc Linh đã được mở rộng quy hoạch vùng bảo tồn ra 7 xã với số lượng hỗ trợ 11.500 cây giống 1 năm tuổi. Năng lực cung ứng cây giống trong tỉnh ước đạt 381.500 cây. Để phát triển sâm bền vững, đưa sâm Ngọc Linh trở thành một sản phẩm quốc gia, ngày 5/6/2017 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 787, phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 cho cây sâm Ngọc Linh, bắt đầu thực hiện từ năm 2017 ở 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã bố trí nguồn lực địa phương, xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn; bước đầu đã đạt được một số kết quả tốt đã tạo việc làm, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở vùng miền núi 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, mọi cơ sở hạ tầng ở các vùng sâm được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.


Anh Bình-Trọng Thắng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm