Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong hoạt động thương mại còn rất chậm

DNVN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng chuyển đổi số trong hoạt động thương mại còn rất chậm, rời rạc, thiếu đồng đều...

Đẩy mạnh chuyển đổi số để chăm lo an sinh xã hội tốt hơn cho người dân / AXYS Group hỗ trợ chuyển đổi số cho 1.000 doanh nghiệp Đắk Lắk

Tại hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” diễn ra chiều ngày 13/12, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, việc nắm bắt những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số trong thương mại sẽ góp phần tăng cường mức độ đổi mới sáng tạo và sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng.
Trên thực tế, Việt Nam đã có nỗ lực bước đầu nhằm tiếp cận chuyển đổi số trong thương mại. Ngày 22/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, chuyển đổi số trong thương mại còn rất chậm.
Dù vậy, theo đánh giá của Viện trưởng CIEM, tác động tạo thuận lợi của cải cách trong nước đối với hoạt động thương mại dường như đang suy giảm. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là do chuyển đổi số trong thương mại còn rất chậm, rời rạc, thiếu gắn kết, thiếu đồng đều và hài hòa.
Trong khi đó, tư duy chủ động cải cách liên quan đến chuyển đổi số trong thương mại chưa được thể hiện rõ nét, thay vào đó là việc nội luật hóa (chuyển hoá quy định trong điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật có giá trị bất buộc thực hiện đối với tổ chức, cá nhân ở một quốc gia - PV) một cách thụ động đối với các cam kết liên quan trong hiệp định thương mại tự do (FTA), thậm chí là chậm cụ thể hóa định hướng nội luật hóa một số cam kết liên quan trong các FTA.
Với Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, nhóm nghiên cứu của CEIM đã tập trung phân tích xu hướng và kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số hỗ trợ thương mại; rà soát khung pháp lý và tổ chức thực thi, các yêu cầu liên quan, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại gắn với các cam kết về thương mại điện tử trong các FTA thế hệ mới. Báo cáo cũng nêu thực trạng phát triển một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số trong thương mại cũng như các yêu cầu và lộ trình hoàn thiện khung pháp lý, tổ chức thực thi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số hỗ trợ thương mại nói riêng.
"Một số bài học kinh nghiệm nổi bật như chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực có thể đột phá; hạ tầng thông tin; tạo thuận lợi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp; và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh", ông Dương chia sẻ.
Theo đánh giá của ông Dương, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và Fintech, logistics.
Dù vậy, để hướng tới giai đoạn tiếp theo, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM khuyến nghị Việt Nam cần một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung theo thứ tự: bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hoàn thiện chính sách cạnh tranh; cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại; chính sách sở hữu trí tuệ; phát triển hạ tầng số; phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; và phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi số trong thương mại.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm