Chuyển đổi số

Cơ hội nào trong ngành công nghiệp blockchain cho người Việt trẻ

DNVN - Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ra mắt giải pháp kết nối thông minh cho ô tô "Make in Vietnam" / Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022

Tại Việt Nam, công nghệ blockchain đang phát triển rất nhanh, ứng dụng của nó trải dài trên các lĩnh vực từ tài chính cho tới nông nghiệp. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch, tính bảo mật cao, tiết kiệm không gian lưu trữ và tiết kiệm nguồn nhân lực, Blockchain trở thành siêu công nghệ được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, để hiểu cách vận hành blockchain và áp dụng cho doanh nghiệp là một việc không hề đơn giản.

Xuất phát từ mong muốn đưa người trẻ, doanh nghiệp sẽ là những “chìa khóa của tương lai" mang tên blockchain, tại Diễn đàn Tech Summit 2021 diễn ra trong hai ngày 7,8/1/22 vừa qua, các diễn giả đã phân tích những cơ hội và thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối diện để nắm bắt xu hướng của siêu công nghệ chuỗi khối này.

Sự kiện TechAwards 2021 vừa diễn ra.

Sự kiện TechAwards 2021 vừa diễn ra.

Blockchain và các doanh nghiệp Việt

Nói về khả năng ứng dụng của blockchain trong cuộc sống, tại Tech Summit 21, ông Nguyễn Thành Trung - Vinacapital cho biết có thể nghĩ ra rất nhiều ứng dụng blockchain trên lý thuyết nhưng trong thực tế thì không nhiều.

“Thực tế, ứng dụng blockchain đưa vào cuộc sống mới được khoảng 4 năm. Ta có thể thấy ứng dụng blockchain đang tham gia vào quản lý tài chính, thị trường địa ốc - tạo ra một thị trường mua bán công khai, minh bạch hoặc tham gia vào các ngành nông nghiệp, truy vết nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm”.

Theo ông Nguyễn Thành Trung nhìn nhận tính đến hết năm 2021, sau hơn 30 năm khi Internet bắt đầu xuất hiện trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ dân số sử dụng Internet vào khoảng 73%. Sau 13 năm khi khái niệm blockchain và tiền điện tử bắt đầu xuất hiện, Việt Nam là nước có chỉ số chấp nhận tiền điện tử cao nhất thế giới.

 

"Điều này cho thấy người Việt Nam rất nhạy với công nghệ mới, điều này có thể thúc đẩy công nghệ mới phát triển ở Việt Nam", ông Trung nhận xét.

Chúng ta thấy được rằng những hình thức giải trí hay tương tác chia sẻ trên Internet đều là những yếu tố góp phần thúc đẩy nhanh chóng việc tiếp nhận một công nghệ mới, khiến nó trở nên dễ tiếp cận hơn cho đại bộ phận người dùng. Nhất là khi dịch bệnh bùng phát, thói quen và hành vi đại đa số người dân Việt Nam được thay đổi rất nhanh theo sự phát triển của công nghệ. Người Việt trước đây đã hưởng ứng Yahoo Messenger, Yahoo Blog 360 với số người sử dụng Internet tăng nhanh trong giai đoạn 2005-2008, số tài khoản game Võ Lâm Truyền Kỳ chiếm 75 - 80% số thuê bao Internet trong giai đoạn này. Giờ đây, người Việt lại tiếp tục hưởng ứng blockchain với các hoạt động cộng đồng trên mạng xã hội. 2021 là năm bùng nổ về cả số dự án game và số lượng người chơi game blockchain. Trong năm 2021 này, số lượng crypto wallet liên quan đến game tăng gấp 25 lần.

Người Việt ứng dụng Blockchain như thế nào?

Tại Tech Summit 21, ông Johnny Trí Dũng - CMO của DecomWings phân tích, blockchain gồm ba loại hình public, consortium và private. Các doanh nghiệp Việt tuỳ theo mô hình kinh doanh mà chọn loại hình phù hợp.

Ông Dũng đồng thời cũng làm phép so sánh giữa public chain (nền tảng mà bất kỳ ai cũng có quyền truy cập và ghi dữ liệu trên chuỗi) và private chain (nền tảng chỉ cho phép người dùng được đọc dữ liệu, không có quyền ghi) và đánh giá các doanh nghiệp có thể ứng dụng private blockchain như thế nào để đạt doanh thu cao. CMO DecomWings khuyến nghị các doanh nghiệp ban đầu không nên thử nghiệm public blockchain.

 

Ông Johnny Trí Dũng - CMO của DecomWings.

Ông Johnny Trí Dũng - CMO của DecomWings.

Về mức độ truy cập, public chain cho phép mọi người có thể đọc và viết không giới hạn, trong khi private chain có sự phân quyền đối với người sử dụng khi đọc hay viết. Public chain có tốc độ xử lý chậm hơn, private chain có tốc độ xử lý nhanh hơn. Về bảo mật, public chain cần bằng chứng về công việc, tình trạng còn private chain đòi hỏi người tham gia được phê duyệt trước. Với public chain, bất kỳ ai cũng có thể tham gia, không cần cấp phép, có thể truy cập với một cái tên ẩn danh. Với private chain, người tham gia phải có một danh tính nhất định và cần chờ phê duyệt cho phép. Public chain xử lý những giao dịch đơn giản trong khi private chain có thể xử lý tất cả các dạng. Về chi phí khởi tạo, public chain rẻ, chỉ cần tham gia và xây dựng ứng dụng. Private chain tốn kém, cần xây dựng một hệ thống nhưng chi phí giao dịch của public chain lại tốn kém trong khi chi phí giao dịch của private chain rẻ.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể chọn consortium - kết hợp giữa public blockchain và private blockchain.

Ông Johnny Trí Dũng đánh giá các công ty có thể nhận được nhiều lợi ích khi sử dụng private blockchains như: ổn định, kiểm soát được mạng lưới, quản lý được người tham gia, được bảo mật, rẻ hơn, tuân thủ các quy định nên an toàn trong môi trường thử nghiệm. Hiện DecomWings đang cung cấp giải pháp blockchain hỗn hợp chuyên dụng để kết nối những private chain và public chain với khả năng tích hợp cao dành cho mọi mô hình kinh doanh tại Việt Nam.

Từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ứng dụng công nghệ chuỗi khối blockchain để đảm bảo tính minh bạch, an toàn và tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Theo đó, tất cả văn bằng được cấp bởi các đơn vị đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lần lượt được đưa vào hệ thống lưu trữ văn bằng quốc gia và được mã hoá bằng blockchain. Mỗi văn bằng, chứng chỉ cấp phát ra theo công nghệ này được gắn một địa chỉ mạng (URL) duy nhất, truy cập tự do và được cam kết duy trì vô thời hạn. Mỗi tân cử nhân, ngoài bằng tốt nghiệp theo quy định truyền thống hiện hành còn được nhận một phiên bản xác thực trực tuyến, có địa chỉ mạng thường trực, vĩnh viễn kèm theo một mã QR để thuận tiện sử dụng trong các hồ sơ trực tuyến của mình. Theo ông Dũng, trường hợp này nên ứng dụng private chain.

Hay một ví dụ khác là ứng dụng private chain trong sản xuất để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng cho sản phẩm. Việc làm giả các sản phẩm được đăng ký độc quyền khiến cho một số doanh nghiệp thất thoát về kinh tế và về uy tín. Cho đến khi họ đồng bộ sản phẩm của mình bằng một chuỗi mã hoá trên blockchain sau đó in và dán trực tiếp trên sản phẩm. Chỉ với một thao tác đơn giản người dùng có thể dùng điện thoại rồi quét con tem trên sản phẩm, toàn bộ thông tin về quy trình sản xuất, phân phối, cách sử dụng, thậm chí cả chất lượng của sản phẩm cũng được xác định rõ ràng. Khi sản phẩm xuất xưởng, hệ thống sẽ được kích hoạt thông tin, tại đại lý phân phối, thao tác kích hoạt được lặp lại. Tất cả những thông tin về sản phẩm sau đó sẽ lưu trữ vào hệ thống blockchain một cách minh bạch, không thể sửa đổi.

Tương tự, một số ngân hàng như VietinBank, BIDV, MB mới đây cũng đã rục rịch gia nhập mạng lưới công nghệ blockchain. Toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ sẽ được đảm bảo theo L/C trên cùng một mạng lưới Contour.

 

Những điều đáng tự hào vệ hệ sinh thái Blockchain Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đã từng mô tả tả nền kinh tế Việt Nam "linh hoạt", nhờ có tăng trưởng GDP nhanh. Những năm gần đây tỷ lệ cực nghèo liên tục giảm xuống thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên đến 6,7%. Riêng mức độ sở hữu điện thoại thông minh sử dụng internet đang gia tăng.

Nhiều chuyên gia công nghệ cũng đưa ra nhận định: "Việt Nam là một trong những trung tâm công nghệ năng động nhất trên thế giới".

Tại khu vực Đông Nam Á, làn sóng đầu tư vào vào các startup blockchain cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong top 200 công ty blockchain phát triển trên thế giới có 5-7 công ty do người Việt sáng lập... Giờ đây có thể nói, startup Việt đang có chỗ đứng đáng nể trong cộng đồng blockchain thế giới.

 

Hiện ở Việt Nam đang có khoảng 10 startup khởi nghiệp với lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD, được nhắc đến nổi bật nhất là là “kỳ lân” công nghệ Kyber Network - Lưu Thế Lợi đã nhận được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư lớn nhỏ tại hơn 100 quốc gia trong chiến dịch gọi vốn.

Những mặt còn hạn chế cần được chú ý

Theo các chuyên gia, blockchain trong tương lai giống như internet vào Việt Nam hồi 1997, thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống. Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều cuộc huy hoàng của ngành công nghệ thông tin và pháo sáng duy nhất của ngành này ở thời điểm hiện tại là blockchain. Thế nhưng, siêu công nghệ này lại gặp không ít khó khăn khi tìm “đất sống" ở Việt Nam. Điển hình như trong top 200 công ty blockchain trên thế giới có 5-7 công ty do người Việt Nam sáng lập lại đăng ký kinh doanh ở nước ngoài (dù 100% nhân lực đều là người Việt). Nguyên do là Việt Nam vẫn còn thiếu hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như blockchain, trí tuệ nhân tạo… Các diễn giả miêu tả, mỗi công nghệ mới giống như một "hòn đảo" mới được tìm ra và có sẵn cư dân trên đó. Theo ông, thứ thị trường còn đang thiếu là những "cây cầu" mà pháp lý sẽ thực hiện hoá điều đó.

Nói về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi phát triển blockchain và web 3.0. Ông Nguyễn Thành Trung phân tích Việt Nam đang có lợi thế lớn như: nguồn nhân lực nhạy bén, nắm bắt tốt cơ hội thị trường; xuất phát điểm không có sự chênh lệch quá nhiều với các nước; các dự án khởi nghiệp mang tầm thế giới, thu hút đầu tư. Xét cho cùng, theo thời gian, lợi thế về mặt thời điểm sẽ giảm giá trị.

Vì thế, theo ông Trung, để tận dụng tối đa lợi thế đang có của mình và bứt phá trong cuộc đua, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, ưu tiên phát triển lĩnh vực đang có lợi thế so sánh, thu hút thêm nhân lực trình độ cao ở nước ngoài, hoàn thiện khung pháp lý cho blockchain và các ứng dụng liên quan như tiền điện tử, trò chơi điện tử.

 

Ra mắt game metaverse Pawpaw tại TechSubmit21

Pawpaw là sản phẩm của Suga - một công ty đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực: công nghệ tự động hoá, IoT, thương mại điện tử, games…cho phép người chơi được trải nghiệm metaverse một cách độc đáo khi vừa hội tụ hình thức online lẫn offline.

Pawpaw là trò chơi gắp thú online cho phép đến 500 người chơi tham gia chung một máy. Cụ thể, những người tham gia sẽ cùng nhau điều khiển một cần cẩu trong máy và phải sử dụng kỹ năng, cộng thêm sự nhạy bén của mình để trở thành người chiến thắng cuối cùng trong một lượt chơi. Mặc dù tham gia game online nhưng những phần thưởng mà người chơi nhận được sẽ là những token với giá trị thực.

Để tham gia Pawpaw rất đơn giản. Bạn không cần có mặt tại trung tâm thương mại hay siêu thị, không cần chạm vào máy gắp thú, không cần phải mua xu vướng víu. Bạn chỉ cần là một thiết bị có màn hình cảm ứng & đường truyền Internet xịn sò là hoàn toàn có thể gắp vạn vật cùng với Pawpaw. Và đừng quên một địa chỉ ví Dorepoc để nhận thưởng nhé.

Đặc biệt, dự án Pawpaw có sự hợp tác đồng hành cùng với Whydah - công ty tiên phong về metaverse tại Việt Nam, và KardiaChain nền tảng blockchain hàng đầu tại Đông Nam Á, tất cả nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho mọi người.
Lê Mai Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm