Chuyển đổi số

Gỡ khó doanh nghiệp, quản lý thu thuế giao dịch thương mại điện tử

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 15/7, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính tăng cường xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt quản lý thu hiệu quả giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài.

Gần 10 tỷ tài khoản trực tuyến vừa bị lộ mật khẩu, bạn có nằm trong số đó? / Xử lý hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Chú thích ảnh
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, phát biểu tại Hội nghị.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (TCT) Đặng Ngọc Minh, từ đầu năm đến nay, TCT đã tích cực phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành triển khai Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử và triển khai Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT).

“Việc rà soát, chuẩn hoá thông tin đăng ký thuế của cá nhân với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư giúp làm sạch, thống nhất sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế. Qua đó, mang lại lợi ích cho người dân, chỉ cần dùng số định danh cá nhân trong việc khai, nộp và hoàn thuế, chấm dứt tình trạng một cá nhân có nhiều mã số thuế”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.

Tính đến nay, nhiều cá nhân kinh doanh TMĐT đã đăng ký, khai và nộp thuế. Nhờ việc tổng hợp dữ liệu từ các sàn TMĐT, từ nguồn thông tin qua thanh tra, kiểm tra và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về TMĐT với các đơn vị, Bộ, ngành đã giúp làm giàu cơ sở dữ liệu về hoạt động và mô hình kinh doanh TMĐT. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT tiếp tục tăng mạnh. Số thuế đã nộp tăng từ 83 nghìn tỷ đồng năm 2022; 97 nghìn tỷ đồng năm 2023, đơn cử 5 tháng đầu năm 2024 là trên 50 nghìn tỷ đồng.

 

Tổng số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý trong 6 tháng đầu năm đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nguồnthu nội địa đạt 835.658 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ; thu thuế, phí đạt 655.303 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chú thích ảnh
Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Đề cập nhiệm vụ từ nay tới cuối năm, ông Đặng Ngọc Minh cho biết: Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với Bộ Công an rà soát, chuẩn hoá thông tin đăng ký thuế của cá nhân khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thiện và trình Bộ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế làm cơ sở triển khai chuyển đổi sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

“Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các giải pháp về hóa đơn điện tử đối với các giao dịch TMĐT; triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ, liên thông dữ liệu về người nộp thuế có hoạt động TMĐT với các bộ, ngành; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Trước đó, ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng TCT kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ đọng. “Đối với những nguồn thu còn tiềm năng, những lĩnh vực, loại thuế còn thất thu cần rà soát, xác định để đề xuất giải pháp thu hiệu quả”, ông Mai Xuân Thành cho biết.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Ngành Hải quan phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao đạt 385.000 tỷ đồng (vượtthu ngân sách 10.000 tỷ đồng).

Tại Hội nghị sáng 15/7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - ông Nguyễn Văn Thọ cho biết: Toàn ngành Hải quan đã làm thủ tục thông quan cho 8,16 triệu tờ khai, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tờ khai xuất khẩu là 4,28 triệu, tăng 15,9% và nhập khẩu là 3,88 triệu, tăng 12,8%; làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cho 88,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

 

Kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 6 tháng qua của ngành Hải quan đạt 200.460 tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán được giao, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. "Nguyên nhân số thu tăng do nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,5%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 3,3%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế 6 tháng đầu năm tăng 16,5%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chịu thuế tăng 12,4% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 16,7%",ông Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Để hoàn thành các mục tiêu, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện Hải quan số hiệu quả; chủ động đối thoại, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vương mắc, tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. "Quyết liệt chỉ đạo các lực lượng thanh tra, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu xác minh tập trung vào các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, các mặt hàng có thuế suất, gian lận qua giá, mã..., đặc biệtđấu tranh với các đối tượng buôn lậu ma túy“, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Tập trung hoàn thiện thể chế, điều hành thu - chi ngân sách

 

Chú thích ảnh
Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì Hội nghị sáng 15/7.

Để phấn đấu thu ngân sách từ nay tới cuối năm, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính, chỉ đạo các đơn vị trực thuộctiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; gỡ vướng cho thị trường bất động sản, đặc biệt tiếp tục tập trung ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 7/7, thu NSNN đạt 1.057.560 tỷ đồng, bằng 62,17% dự toán, tăng 18,63% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách Trung ương ước đạt 65,75% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 58,58% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 61,24% dự toán, thu từ dầu thô đạt 64,32% dự toán, giảm 6,79% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 70,21% dự toán, tăng 12,6% so cùng kỳ.

Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính tập trung các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đề ra. "Tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội", đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ngoài ra, các Bộ, ngành địa phương triển khai các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Quy mô giảm, gia hạn tiền thuế, phí khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng

 

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng (gồm giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92,56 nghìn tỷ đồng).

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm