Chuyển đổi số

Hà Nội cần phát triển hạ tầng thương mại điện tử, hệ sinh thái 5G và trở thành trung tâm an ninh mạng khu vực

DNVN - Tại buổi làm việc mới đây, Bộ TT&TT đề nghị TP. Hà Nội cần phát triển đồng bộ mạng lưới bưu chính chuyển phát để phát triển thương mại điện tử. Đầu tư phát triển hệ sinh thái 5G và đưa Hà Nội thành Trung tâm an ninh mạng khu vực. Đây là nền tảng để phấn đấu đưa kinh tế số của Thủ đô sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 30%.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Trong kỷ nguyên số, học sinh cần thành thạo tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh và ngôn ngữ CNTT / Ninh Thuận đưa vào hoạt động ứng dụng du lịch thông minh

Chiều 5/6/2020, Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT đã có buổi làm việc tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội. Buổi làm việc nhằm trao đổi kết quả triển khai các nội dung tại Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND thành phố Hà Nội về hợp tác phát triển TT&TT.

Phát triển thương mại điện tử và dẫn đầu về 5G

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT), Hà Nội cần phát triển đồng bộ hạ tầng mạng lưới chuyển phát và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp bưu chính. Doanh nghiệp bưu chính trung chuyển hàng hóa phục vụ thương mại điện tử cần được bố trí quỹ đất để đầu tư, xây dựng các kho bãi. Cục Tin học hoá đề xuất Thành phố tạo điều kiện cho các xe chuyên ngành của doanh nghiệp bưu chính được lưu thông, dừng, đỗ trong đô thị để thu gom, vận chuyển bưu gửi.

Ngoài ra, Hà Nội cần hoàn thiện hệ thống quản lý địa chỉ trên nền tảng mã bưu chính Vpostcode và gán mã địa chỉ kèm theo vị trí để hướng tới việc xây dựng dữ liệu địa chỉ toàn thành phố.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, nếu muốn dẫn đầu về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh thì hạ tầng viễn thông là điều phải đặc biệt quan tâm. Hà Nội nên đặt mục tiêu đi đầu về đầu tư 5G. Khi triển khai 5G, phải giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến hạ tầng để lắp đặt trạm, do vậy, thành phố cần chủ động trong quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng. Rút ngắn quy trình thủ tục cấp phép, cho phép sử dụng các hạ tầng liên ngành; đặc biệt là hạ tầng chiếu sáng, cột đèn, cột điện, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước,...

Cục Viễn thông đề xuất Hà Nội nghiên cứu thúc đẩy hệ sinh thái 5G. Trong đó có sự xuất hiện của các khu nghiên cứu, thí điểm, phát triển công nghệ, thúc đẩy nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, Fintech,... sử dụng 5G. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là tỷ lệ phủ sóng 4G của Hà Nội là 95,8% lại thấp hơn trung bình cả nước là xấp xỉ 98%. Nguyên nhân bởi một số khu vực của thành phố rất khó tiếp cận, Bộ TT&TT mong muốn Hà Nội trực tiếp hỗ trợ để giải bài toán này.

Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT đã có buổi làm việc tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT đã có buổi làm việc tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Xây dựng Hà Nội thành Trung tâm an toàn an ninh mạng của khu vực

Hà Nội và TP.HCM luôn nằm trong top những thành phố có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại lớn do tỷ lệ dân số trẻ, mật độ kết nối mạng cao nhưng an toàn an ninh mạng chưa được chú trọng.

Cục Tin học hóa đề xuất, Hà Nội cần triển khai bảo vệ theo mô hình 4 lớp, bao gồm lớp tại chỗ, dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp, kiểm tra đánh giá độc lập định kỳ và kết nối với hệ thống giám sát quốc gia. Kinh phí cho an toàn an ninh mạng tại Hà Nội chiếm tối thiểu 10% kinh phí cho các dự án CNTT. Hà Nội phải đặt mục tiêu không chỉ trở thành một thành phố đi đầu về an ninh mạng trong khu vực mà còn có tầm cỡ trên thế giới.

Trong quá trình xây dựng hệ thống an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT mong muốn Hà Nội dùng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước để đảm bảo kiểm soát tốt hơn và giúp các doanh nghiệp phát triển.

Công nghiệp ICT là điểm đột phá mà Hà Nội và TP.HCM có lợi thế đặc biệt so với tất cả các địa phương khác trên cả nước. Hà Nội hiện có khoảng 20.000 doanh nghiệp công nghệ số. Đến năm 2025, con số này cần tăng lên thành 30.000 và đến năm 2030 là 40.000 doanh nghiệp.

Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng Hà Nội trong phát triển công nghệ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tiềm năng của Hà Nội trong lĩnh vực TT&TT còn nhiều nhưng chưa phát huy hết tiềm năng và phải nỗ lực để phát huy. Kết quả của buổi làm việc sẽ là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử của thành phố, tiến tới xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, thực hiện thành công chuyển đổi số. Phấn đấu kinh tế số của Thủ đô sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 30%.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ thành phố xây dựng hạ tầng cơ cở dữ liệu dùng chung, hỗ trợ quảng bá hình ảnh Hà Nội và cả nước ra thế giới. Chủ tịch cũng mong muốn các tập đoàn viễn thông hỗ trợ phủ sóng Wi-Fi rộng khắp các khu công nghiệp, điểm vui chơi, làng nghề... tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn FPT khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa trong việc xây dựng thành phố thông minh, trong đó có việc sản xuất phần mềm giao thông thông minh. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện thí điểm tại một số nơi trên địa bàn, khi đạt hiệu quả sẽ bàn giao cho Hà Nội.

Tập đoàn Công nghệ CMC cũng mong muốn hợp tác với Hà Nội triển khai hệ thống camera thông minh, đảm bảo an toàn thông tin, góp phần xây dựng thành phố minh. Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nêu vấn đề nếu Hà Nội có nhu cầu, Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, cũng như triển khai hạ ngầm cáp viễn thông...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ có 6 lĩnh vực quản lý nhà nước, nhưng tựu chung lại sẽ quản lý 2 nhóm lĩnh vực gồm hạ tầng số và báo chí truyền thông. Báo chí truyền thông có sức mạnh tạo ra khát vọng và sự đồng thuận xã hội, tuy nhiên muốn phát triển đất nước phải bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đề cập đến vấn để thực hiện chuyển đổi số, nhu cầu cấp thiết là mỗi người dân phải sở hữu một điện thoại thông minh, nhưng tỷ lệ này ở Hà Nội vẫn thấp nên Bộ trưởng Bộ TT&TT đề nghị Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020 đạt được mục tiêu trên.

Về ứng dụng CNTT, Hà Nội nên đặt mục tiêu 100% với mức độ 4, Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng thành phố để hoàn thành trong năm 2021.

Đối với lĩnh vực báo chí truyền thông, Bộ TT&TT sẽ đứng ra kết nối các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề nền tảng chuyển đổi số. Đặc biệt, thành phố cần chú ý đẩy mạnh cơ chế đặt hàng cho báo chí nhằm giúp báo chí vừa đảm bảo công tác tuyên truyền vừa có thể phát triển bền vững.

Thạch Vũ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm