Kinh tế số

Blockchain sẽ đưa chúng ta tới gần hơn với vũ trụ ảo

DNVN - Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về xu hướng phát triển blockchain, bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á cho rằng: Sự kết hợp của blockchain (NFTs), AR/VR, kết nối Internet sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với kỷ nguyên mới của Internet – Vũ trụ ảo (metaverse) - là nơi hội tụ của cuộc sống vật chất và kỹ thuật số.

Vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp: Thay đổi rõ nét theo diễn biến dịch bệnh / Doanh nghiệp “đói” lao động

Bà đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghệ blockchain trên thế giới trong năm qua, công nghệ blockchain có bị tác động bởi đại dịch COVID-19 hay không?

Bà Lynn Hoàng: Theo góc nhìn của tôi, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc ứng dụng blockchain rộng rãi hơn ở nhiều ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý tài sản số. Trong thời gian qua, tiền mã hoá đã thu hút được sự quan tâm của người dùng trên khắp thế giới. Khi đại dịch xảy ra, tiền mã hoá cũng được coi như một tài sản trú ẩn, nhiều tổ chức tài chính và tỷ phú thế giới đã quan tâm tới tiền mã hoá và coi đây như một tài sản đầu tư và phương tiện thanh toán. Ví dụ, quỹ MicroStrategy đã chi hơn 1 tỷ USD để mua Bitcoin từ năm ngoái; PayPal hiện cho phép khách hàng mua, giữ và bán Bitcoin trực tiếp từ tài khoản PayPal của họ.

Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á.

Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á.

Hiện các quốc gia đang ứng dụng blockchain trong những lĩnh vực nào và mang lại giá trị ra sao?

Bà Lynn Hoàng: Và như đã đề cập ở trên, câu chuyện ứng dụng blockchain không đơn thuần chỉ là ứng dụng đối với tiền mã hoá, mà công nghệ này có thể ứng dụng ở nhiều ngành nghề khác nhau.

Cụ thể: ngành y tế có thể ứng dụng blockchain để tăng cường tính minh bạch và tự động hóa trong các giao dịch khám chữa bệnh; xuất xứ xét nghiệm lâm sàng; quyền sở hữu dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân.

Ngành nông nghiệp có thể ứng dụng blockchain để quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm, chuỗi phân phối hàng tồn kho. Lưu trữ thông tin hàng hóa, quy trình chăm sóc, các tiêu chuẩn cho thực phẩm sạch. Truy xuất nguồn gốc, vòng đời sản xuất nông sản.

 

Ngành du lịch có thể ứng dụng dịch vụ nhận dạng: Tiết kiệm thời gian cho quá trình check in tại các sân bay, khách sạn, địa điểm du lịch… Mở rộng kênh thanh toán đa dạng: Cho phép thanh toán đến từ nhiều ngân hàng toàn cầu, ví điện tử, tiền điện tử…

Ngành logistics ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc, xác thực giấy tờ minh bạch, rõ ràng. Kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) để giám sát hành trình vận chuyển cũng như các phương tiện vận chuyển.

Đối với với lĩnh vực đô thị thông minh (Smart City) có thể ứng dụng blockchain để trích lục hồ sơ, công chứng điện tử, cấp lại giấy tờ (kết hôn, đăng ký,...) cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý thông tin cư trú tạm thời, hộ khẩu thường trú lâu dài. Quản lý hồ sơ đất đai, quy hoạch đô thị, tự động hóa dịch vụ công cộng …

Đặc biệt, với ngành tài chính: Hiện có khoảng 1,7 tỷ người không có tài khoản ngân hàng. DeFi sẽ tạo ra rất nhiều giá trị trong hoạt động cho vay ngang hàng (P2P).

Nói chung, công nghệ blockchain rất triển vọng và hứa hẹn sẽ bùng nổ trong những năm tới.

 

Thưa bà, chúng ta đã thấy có một số dự án game blockchain Việt đã thành công khi ra thị trường quốc tế như Axie Infinity có giá trị vốn hóa lúc cao nhất lên tới 8,5 tỷ USD, một số dự án mới nổi cũng đã gọi vốn được trên thị trường.Hay gần đây nhất là Bemil do các kỹ sư người Việt phát triển đã mang lại giá trị rất lớn cho cộng đồng ở nhiều nước. Nhưng đáng tiếc là những dự án game này lại không phát triển được ở thị trường trong nước. Bà có thể cho biết tại sao các dự án game Việt nói trên ra quốc tế lại có thành công như vậy?

Bà Lynn Hoàng: Cho tới thời điểm hiện nay, blockchain đang được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp game. Việt Nam đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về xu hướng ứng dụng NFT của thế giới, đặc biệt là mảng GameFi. Axie Infinity là một ví dụ điển hình. Game này đã lên sàn gọi vốn Binance Launchpad vào tháng 10/2020, khi đó giá trị của nó chỉ ở mức 0.10 USD/token nhưng cho tới thời điểm này giá trị của Axie đã hơn 100 USD/token, nghĩa là tăng hơn 1.000 lần. Axie được biết đến rộng rãi với mô hình “play-to-earn”. Axie Infinity vừa huy động được 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B… Hiện Axie Infinity có tới khoảng 2 triệu người dùng/ngày. Khối lượng giao dịch tiền điện tử trên thị trường NFT của họ cũng đạt giá trị khoảng 2,2 tỷ USD.

Theo thống kê của Newszoo, năm 2021 có gần 3 tỷ người chơi game trên toàn cầu. Con số này tăng 5,3% so với năm 2020. Trong khi đó, theo thống kê của App Annie Intelligence, Việt Nam đứng thứ hai tại Đông Nam Á về thị phần tải game trên các ứng dụng mobile (gồm iOS và Google Play), chiếm 22%, sau Indonesia với 38%. Năm 2020, thị trường game Việt Nam đã tăng trưởng 10% về lượt tải xuống. Chi tiêu của người dùng chơi game đã tăng 50%.

Trong Top 10 nhà xuất bản game mobile giữa các quốc gia Đông Nam Á và Australia, New Zealand, Việt Nam có đến 5 nhà phát hành game lọt vào danh sách này gồm: Amanotes, OneSoft, Gamejam, VNG, Arrasol.

Việt Nam cũng là một nền văn hóa “di động đầu tiên”. Đây là nơi có 68 triệu chủ sở hữu điện thoại thông minh, 64% trong số đó sử dụng 3G, 4G hoặc 5G. Thời gian trung bình hàng ngày để chơi game là 3,9 giờ - nhiều hơn 10% so với người dùng trung bình ở Mỹ.

 

Gần đây, Việt Nam cũng có rất nhiều dự án game ra đời và được các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ khắp nơi trên thế giới muốn được tham gia đầu tư. Thông qua game, Việt Nam có thể xuất khẩu văn hoá. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành thủ phủ game thế hệ mới.

Tôi nghĩ khoảng năm 2025 hoặc chậm nhất năm 2030, mọi người sẽ thấy những ứng dụng trong blockchain và tiền mã hoá sẽ trở nên phổ biến.

Bemil - game blockchain của người Việt thu hút được cộng đồng người chơi ở châu Á

Bemil - game blockchain của người Việt thu hút được cộng đồng người chơi ở châu Á

Theo quan điểm của bà, thành công của các game blockchain như Axie Infinity hay Bemil mở ra cơ hội như thế nào cho các startup Việt vươn ra toàn cầu thế nào?

 

Bà Lynn Hoàng: Thành công của các game blockchain, đặc biệt là Axie Infinity hay Bemil đã mở ra 1 cơ hội cực kỳ to lớn cho các startup Việt Nam muốn vươn ra toàn cầu. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã quan tâm tới các startup do người Việt sáng lập. Gần đây, Whydah, một công ty chuyên về game bockchain do doanh nhân Trí Phạm sáng lập với sáng kiến IronSail đã lập tức thu hút đầu tư 25 triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn chỉ sau 10 ngày công bố. Bên cạnh đó, Sipher cũng vừa huy động thành công được 6,8 triệu USD ở vòng hạt giống, để xây dựng World of Sipheria, hệ sinh thái game trên PC có bối cảnh tù ngục, được phát triển dựa trên công nghệ blockchain. Nguyễn Trung Tín của Tập đoàn Trung Thủy chính là founder của dự án khởi nghiệp này.

Rõ ràng, cơ hội blockchain mang đến cũng diễn ra rất nhanh trước khi định hình những doanh nghiệp nắm giữ vai trò đi đầu. Nếu không nắm bắt cơ hội này, Việt Nam có thể sẽ một lần nữa lặp lại tình trạng “chảy máu” startup như những lĩnh vực khác đã và đang diễn ra từ nhiều năm qua.

Hiện nay Chính phủ đang thực hiện sửa đổi chính sách quản lý ngành game online, theo bà chính sách này cần lưu ý những gì để có thế phù hợp với game blockchain đang có sự phát triển rất nhanh chóng?

Bà Lynn Hoàng: Hiện nay nói chung đối với blockchain đó chính là hành lang pháp lý. Thực sự là việc xây dựng hành lang pháp lý để bắt kịp với sự phát triển của khoa học và công nghệ là một thách thức không chỉ với Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vô cùng nhanh chóng, vượt bậc của khoa học và công nghệ, nền kinh tế tiền mã hóa cũng phát triển không ngừng.

Tình hình thực tế đòi hỏi cần sớm có những đánh giá tương xứng và hành lang pháp lý phù hợp, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, mặt khác tạo điều kiện cho những dự án tiền mã hóa mới, tiềm năng có cơ hội tự khẳng định mình và mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội.

 

Vì tiền mã hóa, được xây dựng trên công nghệ blockchain có tiềm năng thật, và nhu cầu thật. Ngày 09/06/2021, El Salvador đã thông qua “Luật Bitcoin” và trở thành đất nước đầu tiên công nhận Bitcoin là tiền pháp định. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Canada và các quốc gia ở Châu Âu tuy chưa chính thức công nhận Bitcoin nhưng đã thể hiện lập trường tích cực. Bằng chứng là phía Chính phủ các quốc gia này đã ban hành một số hướng dẫn về sử dụng Bitcoin, trong khi các tập đoàn hàng đầu nhu PayPal, Ebay chào đón việc khách hàng sử dụng Bitcoin để thanh toán.

Tại Việt Nam, tiền mã hóa mặc dù đã chứng minh được nhu cầu và tốc độ phát triển đầy tiềm năng, nhưng mới dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu. Hiện Nhà nước Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại tiền mã hóa nào là đơn vị thanh toán hợp pháp. Đồng thời, hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền mã hóa cũng chưa có đơn vị quản lý chính thức, chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hay văn bản hướng dẫn nào.

Thời cơ của blockchain vẫn đang hiện diện và blockchain sẽ phát triển mạnh mẽ khi có hành lang pháp lý phù hợp.

Bà có thể đưa ra dự báo về xu hướng phát triển của blockchain của thế giới và chính sách của Việt Nam cần phải làm gì để có thể bắt kịp xu hướng này?

Bà Lynn Hoàng: Trong thời gian tới, blockchain sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành tài chính. Và Tài chính phi tập trung (DeFi) sẽ tạo ra rất nhiều giá trị trong hoạt động cho vay ngang hàng (P2P).

 

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển game blockchain cũng sẽ bùng nổ. Ngành công nghiệp game toàn cầu dự đoán sẽ đạt được doanh số lên tới 218,7 tỷ USD vào năm 2024.

Đặc biệt, sự kết hợp của blockchain (NFTs), AR/VR, kết nối Internet sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với kỷ nguyên mới của Internet – Vũ trụ ảo (metaverse) - là nơi hội tụ của cuộc sống vật chất và kỹ thuật số của chúng ta.

Chúng ta có thể thấy gần đây, Facebook đã đổi tên thành Meta để khẳng định chiến lược tương lai sẽ xây dựng thế giới metaverse. Dù mục tiêu về khả năng tương tác vẫn còn là viễn cảnh khá xa, nhưng một khi nó đạt được, sự áp dụng hàng loạt, ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ không thể ngăn cản.

Ở Việt Nam, để bắt kịp xu hướng này chắc chắn phải có hành lang pháp lý phù hợp. Chúng ta phải thay đổi quan điểm: “phát triển đến đâu - quản lý đến đó" bằng quan điểm, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý cho các ngành ứng dụng các công nghệ mới phát triển. Có như vậy ta mới mong có được các sản phẩm Make in Việt Nam đột phá.

Xin cảm ơn bà!

 

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm