Ra mắt sàn thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả EVFTA
DNVN - Chiều 26/3, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Ký kết Chương trình Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử giữa Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM) cùng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương (IDEA) và Kim Nam Group.
Vietravel Airlines tài trợ bóng chuyền TP.HCM 200 vé khứ hồi mỗi năm / Hà Tĩnh: Xây dựng Trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương
Với việc ký kết này, ba bên sẽ ra mắt sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam- EU (VEFTA) nhằm giúp các doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp EU cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối, hợp tác và thực hiện các hoạt động thương mại.
Đại diện ba bên cùng lãnh đạo Bộ Công Thương và VINASME tại Lễ Ký kết Chương trình Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử.
Đề án được triển khai nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực của doanh nghiệp Việt; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gốc xuất sứ, minh bạch hóa thông tin sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Việt; Xây dựng một cổng thông tin về các hiệp định thương mại cũng như các chính sách nhà nước liên quan đến hoạt động thương mại; Xây dựng sàn giao dịch giữa các doanh nghiệp B2B (Business To Business) nhằm kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và là cánh cổng để kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu...
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, gần đây chúng ta đều biết câu chuyện về Alibaba, hay Amazon mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hay thậm chí cả các hộ kinh doanh cá thể xuất khẩu sản phẩm do chính tay họ làm ra, điều mà trước đây họ chưa từng dám nghĩ tới trước đây.
"Tôi kì vọng chương trình hợp tác giữa ba bên hôm nay sẽ là bước đầu tiên trong lộ trình tạo ra những giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, lấy công nghệ làm cốt lõi để hỗ trợ công động doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể nâng cao năng lực, tăng thêm những cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, để tận dụng tối đa những cơ hội do hiệp định thương mại mang lại”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang thiếu một công cụ đắc lực để đưa các sản phẩm, dịch vụ trong nước sang thị trường EU một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đó chính là hệ thống các kênh thương mại điện tử.
"Rất may dưới sự chỉ đạo, ủng hộ sát sao của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo Bộ Công thương, Cục Thương mại Điện tử và Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam đã nghiên cứu thành công và cho ra mắt sàn thương mại điện tử Việt Nam – EU. Chúng tôi đánh giá đây là một bước tiến lớn, có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng với các nhà xuất khẩu trong nước mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế", Chủ tịch VINASME nói.
Cho rằng, ba bên đã thành công cho ra đời một sàn thương mại điện tử mang thương hiệu “Made by Vietnam”, nhưng người đứng đầu VINASME cho rằng, cần phải lưu ý tới việc nuôi dưỡng và phát triển nó một cách bền vững và có chiến lược. Qua đó, ông đề nghị Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để duy trì, phát triển hệ thống, con người, trang thiết bị, yếu tố bảo mật để không những tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đi ra quốc tế, mà còn phải bảo vệ họ khỏi những nguy cơ, thách thức tiềm tàng khi đưa sàn thương mại điện tử vào vận hành chính thức.
Chủ tịch VINASME cũng rất hy vọng lãnh đạo Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ sát sao với sự phát triển của sàn thương mại điện tử Việt Nam – EU nói riêng và các sàn thương mại điện tử “Made by Vietnam” nói chung.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo