Kinh tế số

Sếp Amazon chia sẻ 3 cụm từ khóa để xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử

DNVN - Hiện nay, người tiêu dùng có xu thế chuyển rất nhanh sang mô hình thương mại điện tử so với những mô hình truyền thống trước đây. Trong khi đó, nhiều người bán hàng Việt Nam vẫn còn thiếu kiến thức và kỹ năng, do đó chần chừ với xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới..

Chuyển đổi số nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch ở Hà Tĩnh / Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Thừa Thiên Huế sẽ là điểm đến của những sự kiện công nghệ tầm cỡ

Tại Hội thảo "Xuất khẩu hàng Việt ra thế giới cùng Amazon" do Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (IDEA) - Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội và Amazon Global Selling Vietnam phối hợp tổ chức hôm 28/4/2021, bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, xu hướng hiện nay và đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp thì thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trở thành công cụ không thể thiếu được đối với DN để mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của DN.
"Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 330.000 DN, trong đó 90 - 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) rất cần hỗ trợ xuất khẩu (XK) hàng hóa và đặc biệt là XK hàng hóa trực tuyến trên nền tảng của Amazon và các nền tảng TMĐT khác. Hiện tỷ trọng XK của các DNNVV Hà Nội mới chỉ chiếm 35 - 40% trong tổng kim ngạch XK trên địa bàn thành phố. Việc bán hàng trên các sàn TMĐT cũng là một trong những cách nhanh nhất để các DN xây dựng thương hiệu của mình và từ đó đưa hàng hóa XK ra toàn cầu, nhất là những DNNVV, mở rộng kinh doanh không mất nhiều chi phí đầu tư, chi phí liên quan đến XTTM truyền thống, hội chợ triển lãm, thiết lập văn phòng và các thị trường mục tiêu", bà Trần Thị Phương Lan nói.

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Vietnam khẳng định, đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới tác động đến hành vi của người tiêu dùng, tạo ra rất nhiều nhu cầu tiêu dùng mua hàng trực tuyến.
"Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, doanh số từ thương mại điện tử (TMĐT) đã tăng rất nhanh - tăng 44% tương ứng với 559 tỷ USD năm 2019 lên 861 tỷ USD vào năm 2020. Nếu không do đại dịch Covid-19 thì rõ ràng phải đến năm 2023 Hoa Kỳ mới đạt được con số 861 tỷ USD. Người dân ngày càng có xu thế giao dịch TMĐT và ngay cả hậu Covid-19 thì đây vẫn là một xu hướng. Những dữ liệu cho thấy người tiêu dùng có xu thế chuyển rất nhanh từ mô hình TMĐT so với những mô hình truyền thống trước đây", ông Gijae Seong nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho rằng, dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng nhiều người bán hàng Việt Nam vẫn còn chần chừ vì chưa thực sự làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức lẫn kỹ năng trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, nỗ lực và khát khao học hỏi để thích nghi với trạng thái bình thường mới của họ là không thể phủ nhận, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên thương mại kỹ thuật số ngày càng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.
“Chúng tôi muốn chung tay cùng Amazon để nỗ lực không ngừng, tạo nên nhiều sáng kiến để giúp những người bán hàng Việt Nam đánh thức tiềm năng của chính họ và nắm bắt cơ hội vươn ra thế giới”, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số bày tỏ.
Để bán hàng thành công trong bối cảnh bình thường mới
Theo ông Gijae Seong, để thành công trong bối cảnh bình thường mới, doanh nghiệp và người bán hàng Việt Nam cần phải ghi nhớ 3 cụm từ khóa sau:
Thứ nhất, tăng cường kinh doanh trên mạng bởi nhu cầu về số hóa, nhu cầu chuyển đổi số là tất yếu đối với các công ty thương mại toàn cầu. Đại dịch đã tạo ra những ảnh hưởng rất lớn nhưng cũng tạo ra các cơ hội, giúp các mô hình kinh doanh thích ứng với các sự thay đổi và nắm bắt được nhu cầu của thị trường.
Thứ hai, nhắm vào nhu cầu của khách hàng. Khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong bất cứ một DN nào và hiện tại còn quan trọng hơn nữa. Chúng ta phải thay đổi để thích ứng với nhu cầu của khách hàng, tập trung vào nhu cầu của khách hàng, tiếp tục tối ưu hóa sự lựa chọn dựa trên phản hồi của khách hàng.
Thứ ba, phải có tư duy toàn cầu. TMĐT đã cho thấy một cơ hội toàn cầu hỗ trợ người bán vượt qua khoảng cách, tiếp cận được với thị trường toàn cầu cũng như thúc đẩy người bán sẽ tìm hiểu, nắm bắt thị trường, nắm bắt các cơ hội nhiều hơn nữa ở các quốc gia khác nhau cũng như các lĩnh vực khác nhau để đa dạng hóa kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng của họ.

Ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Vietnam.
Ông Gijae Seong cho biết, Amazon tự hào có những thế mạnh đặc thù để hỗ trợ các đối tác bán hàng cho dù chúng ta có trụ sở ở đâu để xây dựng DN, các hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Thứ nhất, khi người bán hàng tiếp cận với Amazon sẽ được tiếp cận với hơn 300 triệu tài khoản khách hàng của Amazon và những thành viên Prime đã tăng trên 200 triệu trên toàn thế giới. Thứ hai, Amazon luôn cung cấp những công cụ rất sáng tạo và đổi mới và công cụ 1 cửa, từ đó người bán hàng có thể tiếp cận được tất cả các dịch vụ khác.
"Thực tế, năm 2020, chúng tôi đã khởi động 135 công cụ miễn phí và dịch vụ để giúp các đối tác bán hàng có thể bán hàng trên cửa hàng của Amazon. Ngoài ra, trong thời gian 2019 - 2020, Amazon đã đầu tư hơn 30 tỷ USD vào dịch vụ hậu cần, công cụ, các chương trình và đội ngũ nhân sự để hỗ trợ các đối tác bán hàng.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã hỗ trợ nhiều cho người bán hàng Việt Nam, ví dụ các công cụ và hướng dẫn bằng ngôn ngữ Tiếng Việt để người bán tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ", ông Gijae Seong chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên bên lề sự kiện, ông Gijae Seong cho biết, Amazon không đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào nền tảng TMĐT để bán hàng nhưng người bán hàng cần nắm vững các quy định về chính sách của Amazon cũng như các chính sách của thị trường mà người bán nhắm đến.

Ông Gijae Seong chia sẻ bên lề sự kiện.
Đề cập đế những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia bán hàng trên nền tảng TMĐT của Amazon, ông Gijae Seong thừa nhận rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông hiện Amazon đã cung cấp các công cụ bằng tiếng Việt để hỗ trợ cho người bán hàng.
Điểm yếu thứ hai, theo vị giám đốc này là hiểu biết của DN về xuất khẩu. Cụ thể là nhiều DN Việt Nam chưa có nhiều cơ hội xuất khẩu hoặc mới chỉ xuất khẩu cho những công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam nên kinh nghiệm của họ chủ yếu từ DN đến DN (B2B), còn kinh nghiệm B2C họ chưa có.
"Họ bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng đầu cuối, chưa có kinh nghiệm trong việc phải xử lý tất cả các vấn đề xảy ra trong toàn bộ quá trình như thế nào, cũng như kinh nghiệm về xuất khẩu và kinh nghiệm về nền tảng số mà họ sẽ sử dụng", ông Gijae Seong đánh giá.
Với những điểm yếu này, ông Gijae Seong cho biết, Amazon đã chủ động mở rộng hợp tác với IDEA - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ DNNVV Việt Nam trong việc giúp các DN theo đuổi tầm nhìn về chuyển đổi tương lai xuất khẩu của Việt Nam cũng như tăng cường phát triển kinh tế số của Việt Nam.
"IDEA cũng như Global Selling tại Việt Nam sẽ tổ chức một loạt các hội thảo tập huấn tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng từ tháng 5 đến tháng 12/2021. Sự kiện ngày hôm nay là 1 ví dụ của việc hợp tác. Các DN được lựa chọn sẽ nhận được các hỗ trợ, được tư vấn 1;1 từ đội ngũ Global Selling Vietnam để giúp thúc đẩy vận hành trên Amazon. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ các đối tác bán hàng Việt Nam vượt qua được những trở ngại ban đầu. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra các giải pháp giúp DN của Việt Nam có được một tương lai tốt nhất", Gijae Seong nói.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm