Kinh tế số

Triển khai các mô hình kinh tế mới: Cần ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ

DNVN - Các mô hình kinh tế mới ngày càng đóng vai trò lớn đối với tăng trưởng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình này còn nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là chính sách phát triển công nghệ còn yếu và thiếu…

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính gặp nhiều thách thức / Tiết kiệm chi phí nhờ chuyển đổi số

Tạo động lực tăng trưởng xanh

Các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực, tạo động lực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho các nền kinh tế trên thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững” ngày 6/10 tại Hà Nội, ông Đỗ Thành Trung -Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm.

Trong khi đó, tại các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm.

Với Việt Nam, báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” năm 2021 cho thấy, kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.


Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung.

Việt Nam đặt mục tiêu trọng tâm và chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, thời gian vừa qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, các mô hình kinh tế mới đã hình thành và phát triển, qua đó đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng và phát triển bền vững.

Chính sách phát triển công nghệ còn yếu và thiếu

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, việc triển khai các mô hình kinh tế mới còn nhiều vấn đề đặt ra.

Cụ thể, đối với kinh tế số, kinh tế chia sẻ, chính sách phát triển công nghệ còn yếu và thiếu. Xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng thực trạng rất là manh mún và phân tán, không có sự kết nối liên thông. Khung chính sách thử nghiệm còn được gọi là Sandbox chưa được quan tâm xây dựng. Các quy định pháp luật chưa bắt kịp xu thế phát triển các mô hình kinh tế mới. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, mà điểm yếu là thay đổi cách thức kinh doanh từ truyền thống sáng ứng dụng công nghệ.

Việc phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trên thực tế còn nhiều hạn chế bởi KTTH đòi hỏi có những thay đổi đột phá và đổi mới căn bản. Sự chuyển đổi sang nền KTTH liên quan đến nhiều chủ thể và liên quan tới khả năng quản lý, hoạt động sản xuất công nghiệp của từng quốc gia.

Để phát triển kinh tế xanh, Việt Nam đang thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, các ngành kinh tế công nghệ cao sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngành kinh tế môi trường.

Ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ

Từ những tồn tại trên, theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cần gắn kết các kế hoạch, chủ trương về các nền kinh tế mới một cách đồng bộ. Đưa ra những lộ trình thực hiện cụ thể để tránh việc chồng chéo về chính sách, bám sát với thực tiễn nền kinh tế.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ chi từ ngân sách cho nghiên cứu & phát triển phải đạt mức bình quân của 3 nước đứng đầu ASEAN. Tuy nhiên, đến năm 2019, khoa học công nghệ nước ta chỉ đạt 0,53% trong tổng GDP.

Cần tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư ngân sách và cơ chế để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.


Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ về cơ chế đặt hàng nguồn nhân lực mới trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có ngành công nghệ số.

Các chuyên gia, doanh nghiệp cần trao đổi, chia sẻ các mô hình, cách làm mới trong sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy các nền kinh tế mới phát triển.

Gợi mở những nội dung liên quan đến các mô hình kinh tế mới có thể triển khai trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, cần ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới.

Đích đến của các mô hình kinh tế mới tựu chung đều do con người và vì con người. Do đó, khi triển khai các mô hình kinh tế mới cần đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Việc triển khai các mô hình kinh tế mới cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan.

Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Ngoài ra, việc triển khai các mô hình kinh tế mới luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị, phát huy đồng bộ, tổng lực các mô hình kinh tế mới để tạo thêm từng “điểm phần trăm” quý giá cho tăng trưởng kinh tế. Từ đó tạo được văn hóa để cả các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp đều “không ngừng đổi mới, khẩn trương đổi mới, chung tay đổi mới.

“Nếu tiếp tục làm sâu sắc nội dung này trong thời gian tới, chúng ta sẽ chung tay đưa thể chế trở thành một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa mở đường” cho tăng trưởng kinh tế có tính sáng tạo, bền vững và chất lượng hơn”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm