Chuyển đổi số

Lần đầu hình thành mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Thống nhất ‘cửa khẩu số’ sẽ thuận trong quy trình giám sát hải quan / Thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển bền vững

Chú thích ảnh
Hệ thống màn hình trực quan theo dõi các chỉ số điều hành của tỉnh tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Long An. Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN

Phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số

Làm rõ hơn nội dung đề án, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây là lần đầu tiên, mạng lưới chuyển đổi số từ trung ương đến cơ sở, gồm các cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã và Tổ công nghệ số cộng đồng). Cấp bộ, tỉnh, huyện tăng cường biên chế từ nguồn biên chế có, thực hiện các nhiệm vụ mới về chuyển đổi số. Cấp xã phân công, bố trí cán bộ đầu mối. Tổ công nghệ số cộng đồng trở thành khái niệm được công nhận chính thức sau 2 năm thí điểm triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông (đầu mối là Cục Chuyển đổi số quốc gia) là cơ quan điều phối chung hoạt động mạng lưới chuyển đổi số.

Đâylà lần đầu tiên việc xây dựng, phát triển, phổ biến các nền tảng số, bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về chuyển đổi số. Quan trọng là, nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án được ngân sách nhà nước bảo đảm. Đặc biệt, hoạt động điều phối mạng lưới, kinh phí vận hành, duy trì các nền tảng số, bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc được bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Đề án xác định rõ 3 quan điểm cốt lõi: Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về chuyển đổi số trên nguyên tắc không làm tăng biên chế cán bộ, công chức; không làm tăng tổ chức, bộ máy của cơ quan nhà nước theo yêu cầu của Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hình thành mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp từ trung ương đến cơ sở có sự tham gia của cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thu hút toàn dân tham gia chuyển đổi số quốc gia; bố trí đủ nguồn lực để phát triển, vận hành, duy trì các nền tảng số, các bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về chuyển đổi số.

Đề án nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin để tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số. Có 100% đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trungương được tăng cường bố trí biên chế từ nguồn biên chế được giao của cơ quan đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số. 100% cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND cấp huyện, cấp xã chú trọng bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. 100% các tổ chức, cá nhân trong mạng lưới chuyển đổi số được tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số...

Định hướng đến năm 2030, mạng lưới chuyển đổi số được hình thành, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, 100% nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương hằng năm được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về chuyển đổi số, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm.

Thực hiện đồng bộ 7 nhiệm vụ, giải pháp

Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đã phân tích, đề xuất thực hiện đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể là rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật về chuyển đổi số ở trung ương, địa phương theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể giữa các cơ quan trung ương, giữa trung ương với địa phương, xác định rõ nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì triển khai; nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì, thuê ngoài dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp; nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì, huy động sự tham gia của xã hội để triển khai.

Các nhiệm vụ tiếp theo là: Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương; xây dựng, phát triển, phổ biến các nền tảng số, bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc, bao gồm các nền tảng số, bộ công cụ (bồi dưỡng, tập huấn); tuyên truyền, phổ biến; quản lý dự án; khảo sát, thu thập ý kiến; đo lường, giám sát trực tuyến; kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý tri thức; trợ lý ảo; an toàn thông tin mạn; nâng cao vai trò tham mưu, tư vấn, điều phối của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thực thi pháp luật cho đội ngũ nhân lực chuyển đổi số; thiết lập, đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở; truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và xã hội về vai trò, ý nghĩa của Đề án, mạng lưới chuyển đổi số, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện chuyển đổi số và các nội dung của Đề án.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác được giao. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo triển khai nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm về kết quả triển khai Đề án.

Việc Thủ tướng phê duyệt Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở trung ương và địa phương, khẳng định tính chính thống trong việc điều phối toàn bộ mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp đến tận cơ sở. Đồng thời, đây cũng là thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm