Chuyển đổi số

Ông Nguyễn Thiện Nhân: TP Thủ Đức sẽ là trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn trong nước và quốc tế

DNVN - Với hệ 4 thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng kinh tế 4.0, quy mô dân số đủ lớn, liên kết chặt chẽ với các quận còn lại của TP.HCM, TP Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất, dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế.

Ngành TT&TT đạt doanh thu hơn 3 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 / Viettel muốn xây dựng hệ thống đô thị thông minh tại Huế thành mô hình chuẩn

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đưa ra tại hội nghị báo cáo chuyên đề “Xây dựng TP Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức mới đây.

Phát triển khoa học công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến việc thành lập TP Thủ Đức là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài của TP.HCM. Đặc biệt, việc thành lập TP Thủ Đức không phải là sự sáp nhập cơ học 3 quận 2, 9, Thủ Đức mà qua đó nhằm tạo mô hình tăng trưởng mới, góp phần đưa TP.HCM đảm bảo tăng trưởng gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước như trước đây.

Theo ông Nhân, TP.HCM là đóng góp hơn 22% vào kinh tế của cả nước; đóng góp 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Dù vậy, trong10 năm qua, tính vượt trội của tốc độ tăng trưởng của kinh tế TP.HCM so với cả nước đã giảm mạnh. Điều này đòi hỏi TP.HCM tìm giải pháp đưa tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trở lại như trước, thậm chí có thể cao hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, khâu cản trở lớn nhất phát triển TPHCM là hạ tầng phát triển chậm. Đồng thời, khoa học - công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực thực sự để nâng cao năng suất lao động.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, khâu cản trở lớn nhất phát triển TP.HCM là hạ tầng phát triển chậm, đồng thời, khoa học công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực thực sự.

Theo ông Nhân, có nhiều lý do của tình trạng tăng trưởng kinh tế TP.HCM giảm vượt trội so với cả nước như thể chế phát triển của TP.HCM chưa hoàn toàn phù hợp với đặc thù kinh tế-xã hội hiện nay. Đặc biệt, khâu cản trở lớn nhất phát triển TP.HCM là hạ tầng phát triển chậm. Đồng thời, khoa học công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực thực sự để nâng cao năng suất lao động.

“Chúng ta thấy rằng TP.HCM hoàn toàn có thể tăng năng suất lao động không chỉ cao hơn 2,5 lần năng suất lao động bình quân của cả nước mà có thể cao hơn nữa, gấp 5-7 lần”, ông Nhân nhận định. Điều kiện đi kèm là cần phải tận dụng tất cả các lợi thế của Việt Nam, cũng như khắc phục những yếu kém về thể chế, hạ tầng và nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở TP.HCM. Cùng với đó là việc tạo ra các điều kiện để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và trong nước vào sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Nhân dẫn chứng về năng suất lao động tăng cao nhất của ngành công nghệ thông tin - truyền thông hiện đang gấp 7,6 lần năng suất lao động của cả nước. Một dẫn chứng quan trọng là hiệu quả hoạt động của Khu công nghệ cao TP.HCM, khi nơi đây có năng suất lao động cao gấp 16,6 lần năng suất lao động của cả nước.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) là thời cơ lớn nhất tạo đột phá tăng năng suất lao động và thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Tiếp tục lấy dẫn chứng về sự thành công ở thành phố Montreal - Thủ đô AI của Bắc Mỹ, ông Nguyễn Thiên Nhân nêu ra các kinh nghiệm cụ thể về các điều kiện và chính sách cụ thể, trong đó có các chính sách khuyến khích về thuế đối với doanh nghiệp. “TP Thủ Đức cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù về thuế để thu hút đầu tư”, ông Nhân đề xuất.

TP Thủ Đức sẽ là trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP Thủ Đức được sáp nhập từ 3 quận. Nơi đây đã hình thành một số tiền đề, cấu phần quan trọng cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, trong một không gian địa lý đủ gần để có thể hình thành sự tương tác mạnh giữa các cấu phần này, có thể hình thành hệ sinh thái của kinh tế tri thức, của AI. Các đơn vị tư vấn quốc tế cũng khẳng định, quận 2, 9 và Thủ Đức có đủ các điều kiện để trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế tri thức của TP.HCM.

"Một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau", ông Nhân nói.

Nói về hạ tầng kinh tế 4.0, ông Nhân cho rằng trước mắt TP Thủ Đức bao gồm 7 cấu phần. Đó là các cụm đại học chất lượng cao, trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo; khu công nghệ cao có quy mô lớn, khu thực nghiệm công nghệ mới; công viên phần mềm quy mô lớn, trung tâm tính toán hiệu năng cao; dịch vụ viễn thông 5G.

Hạ tầng giao thông và dịch vụ đô thị, bao gồm 8 cấu phần. Đó là hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không; Hệ thống tàu điện ngầm (đường sắt); Hệ thống thoát nước và chống ngập; Hệ thống cấp nước sạch; Hệ thống xử lý rác; Hệ thống các khu đô thị mới, đô thị thông minh…

Đối với hạ tầng tài chính – thương mại gồm 3 cấu phần. Đó là Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM (Thủ Thiêm); Trung tâm hội chợ - triển lãm quốc tế (Thủ Thiêm); Hệ thống siêu thị và bán lẻ thông minh.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau.

Về hạ tầng xã hội, ông Nhân cho biết gồm hệ thống trường mầm non, trường phổ thông, trường nghề chất lượng cao; hệ thống các bệnh viện đạt chuẩn quốc tế; nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch; công viên lịch sử văn hóa dân tộc; sân golf Thủ Đức; trung tâm thể thao Rạch Chiếc; quảng trường Hồ Chí Minh.

Theo ông Nhân, để quản lý thành phố dân chủ, thông minh, hiệu quả TP Thủ Đức sẽ có 6 giải pháp. Cụ thể gồm: chính quyền đô thị; cơ chế chính sách đặc thù; chính quyền số; hội đồng phát triển TP Thủ Đức (với sự tham gia của của đại diện các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà văn hóa, người dân, chính quyền, cấp ủy); phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; tạo cơ chế là Đảng lãnh đạo và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.

"Với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng kinh tế 4.0, quy mô dân số đủ lớn, liên kết chặt chẽ với các quận còn lại của TP.HCM, TP Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất, dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế", ông Nhân nói.

Bên cạnh đó, ông Nhân cho rằng, từ kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, muốn một nơi có năng suất lao động cao nhất, ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 là trí tuệ nhân tạo ở giai đoạn phổ cập hóa như chúng ta thì địa phương đó phải có đủ tiền đề tương tác cung cấp nhân lực. Từ đó, tạo ra các giải pháp, ứng dụng giải pháp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Và TP Thủ Đức có nhiều tiền đề hội tụ, nếu tiếp tục bổ sung với một chính sách phù hợp, đặc thù nó sẽ trở thành nơi có năng suất lao động cao nhất cả nước.

Song song đó, ông Nhân cho rằng TP Thủ Đức sẽ là một trung tâm cung cấp các giải pháp 4.0 cho phát triển của TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước. Thành phố mới sẽ hướng mạnh mẽ tới xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm 4.0.

Với vị trí giao thông thuận lợi, TP Thủ Đức sẽ giúp TP.HCM kết nối, tương tác mạnh mẽ với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành vùng kinh tế 4.0 ở phía Nam của đất nước.

Ông Nhân tính toán, hiện nay năng suất lao động của khu công nghệ cao TP.HCM gấp 16,6 lần năng suất lao động của Việt Nam và 6,6 lần của TP.HCM. Nếu sau 5-10 năm năng suất lao động của TP Thủ Đức gấp 3 lần năng suất lao động của TP.HCM thì với dân số và lực lượng lao động của TP Thủ Đức chiếm 10% dân số và lao động của TP.HCM, giá trị đóng góp GRDP của TP Thủ Đức vào kinh tế TP.HCM là 30% tương đương 6,6% GDP của Việt Nam.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm