Thị trường

Có dấu hiệu doanh nghiệp thao túng, chuyển giá sữa

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện giá sữa nguyên liệu trên thế giới có xu hướng giảm nhưng tờ khai của doanh nghiệp nhập khẩu qua hải quan không thấy đánh giá tới tác động giảm này, dẫn tới nghi vấn các doanh nghiệp thao túng, chuyển giá sữa.

 Tại cuộc họp báo về quản lý điều hành giá sữa hôm 14/5, Bộ Tài chính cho biết, đã phát hiện những dấu hiệu nghi vấn về việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (DN SXKD) sữa thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu. 

 
Qua kiểm tra, Bộ Tài chính phát hiện nhiều sai phạm của các DN sữa bán giá thực tế cao hơn giá đăng ký, tẩy xóa, in lại hạn sử dụng và chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố cũng đã bị phát hiện và xử lý.
 
Theo Bộ Tài chính, tính từ thời điểm thực hiện bình ổn giá sữa ngày 1/6/2014 đến nay, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa, giá đăng ký và giá kê khai của 708 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mức giảm giá từ 0,1-34% so với mức giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá, trong đó mức giá giảm phổ biến là từ 10 – 15%.
 
Bên cạnh đó, đã có 5 doanh nghiệp sữa kê khai giá tại Bộ Tài chính và 2 doanh nghiệp kê khai tại Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã kê khai lại giá của 67 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi theo quy định tại Nghị định 100/2014/NĐ-CP. Các mức giá mới giảm khoảng 0,4 - 4% so với mức kê khai liền kề trước đó. Hiện nay, qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, cơ quan quản lý giá cho biết mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm từ 1 - 5,5%.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) trả lời báo chí.
 
 
Tuy nhiên, theo tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp - Bộ Ngoại giao cung cấp được Bộ Tài chính công bố, giá bán trung bình/kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi (từ bước 1 đến bước 4) với tất cả các nhãn hàng sữa của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tại Việt Nam giá bán trung bình sản phẩm sữa bột trẻ em (bước 1 đến bước 4) là 16 USD, song ở Thái Lan chỉ là 14 USD, Philippines:12,9 USD, Malaysia: 10,9 USD, Indonesia: 9,5 USD. 
 
Lý giải về việc này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, mặt hàng sữa luôn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường. Do nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định nên dễ bị thao túng, chuyển giá từ nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam. 
 
" Hiện giá sữa nguyên liệu trên thế giới có xu hướng giảm nhưng tờ khai của doanh nghiệp nhập khẩu qua hải quan không thấy đánh giá. Thậm chí, một số doanh nghiệp không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ, chưa đúng quy định vẫn để xảy ra tình trạng gian lận thương mại như tẩy xóa và in lại hạn sử dụng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng...thực tế này đã đặt ra những nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá sữa bột từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam", ông Tuấn cho hay.
 
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường. Một số doanh nghiệp còn tình trạng thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng giá nguyên liệu thế giới giảm, nhưng giá nhập khẩu vào Việt Nam không giảm, hoặc giảm ít. 
 
Trước những diễn biến đó, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1-6-2015 đến hết 31-12-2016. Trong quá trình thực hiện giá tối đa với sữa bột, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp. 
 
 
 
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo