Thị trường

Cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam - Australia

Chuyến thăm chính thức Australia mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được đánh giá là giúp thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, mở ra cơ hội hợp tác làm ăn mới cho doanh nghiệp hai nước, tạo thị trường mới

Australia không muốn gây khó khăn với hàng Việt Nam

 

Trong buổi làm việc với trưởng Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Australia Andrew Robb, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị phía bạn Australia tạo điều kiện cho doanh nghiệp cả hai nước hợp tác sản xuất, kinh doanh, đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển chung.

 

Về phần mình, Bộ trưởng Andrew Robb bày tỏ sự quan tâm và khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp Australia xử lý những vấn đề mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu về vấn đề hàng nông-thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Bộ trưởng Andrew Robb đã trao đổi kỹ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia về việc cấp phép nhập khẩu quả vải từ Việt Nam và kết quả cụ thể sẽ có trong thời gian tới.

 

Bộ trưởng Andrew Robb cũng khẳng định, Australia không muốn đưa ra những dự luật có nội dung trái với quy định của WTO, gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

 

Cải cách để thu hút đầu tư

 

Trong chuyến thăm hai ngày 17 và 18/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các bộ trưởng tháp tùng đã tới tham dự Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam – Australia. 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbot tại Australia hôm 18/3.

 

Phát biểu với giới doanh nhân hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu khái quát về những thành tựu, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng và việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chủ trương lớn của Việt Nam là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bởi thế, Việt Nam đã tạo ra khung khổ pháp lý rất cạnh tranh so với mặt bằng chung của khu vực, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới được Quốc hội Việt Nam sửa đổi và thông qua. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam luôn chỉ đạo sát sao việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả của khâu thực thi, giảm mạnh thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. 

 

“Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện đầy đủ và vận hành thông suốt thể chế kinh tế thị trường, thực hiện cạnh tranh một cách bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước tại thị trường Việt Nam theo đúng cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Australia.


Australia là bạn hàng lớn của Việt Nam

 

Phát biểu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, kể từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện năm 2009, quan hệ song phương  đã có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân và đặc biệt là về kinh tế.

 

Australia là đối tác đầu tư lớn thứ 19 tại Việt Nam với 328 dự án và 1,66 tỷ USD vốn đăng ký; là bạn hàng thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam và đã đạt mốc 6 tỷ USD vào năm 2014.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao lợi thế cạnh tranh của Australia trong lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, hạ tầng viễn thông, hóa chất, nông nghiệp bền vững, tài chính, ngân hàng, giáo dục và dịch vụ chất lượng cao. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ các doanh nghiệp Australia tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam trong các lĩnh vực mà Australia có lợi thế cạnh tranh.

 

Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Australia và mong muốn các doanh nghiệp Australia sẽ dành được vị trí xứng đáng trong nền kinh tế Việt Nam.

 

Khi tiếp các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Australia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự hoanh nghênh mối quan tâm hợp tác của các tập đoàn này với các doanh nghiệp Việt Nam, chẳng hạn như Tập đoàn Telstra quan tâm tới quá trình cổ phần hóa của Mobifone,

 

Tập đoàn Rio Tinto quan tâm tới quan hệ hợp tác với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, hay các ngân hàng CBA, ANZ muốn cung cấp các công nghệ và dịch vụ ngân hàng hiện đại và tham gia góp vốn, mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam…

 
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo