Khoa học - Công nghệ

Cần tạo thuận lợi cho tư nhân phát triển năng lượng mặt trời, điện gió

DNVN - Theo đại diện UNDP, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và điện gió, vì thế cần xem xét sửa đổi những kế hoạch liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tận dụng cơ hội từ những chính sách mới mang lại.

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần những giải pháp mang tính toàn cầu / Những vấn đề cần làm rõ tại Dự án điện hơn 3 tỷ USD

Quyền Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Terence Jones đánh giá cao cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 và cho rằng tuyên bố này đã khuyến khích các quốc gia khác nâng cao mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Cũng như đánh giá cao việc Việt Nam tập trung vào cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, công bằng, công lý về biến đổi khí hậu để mọi người đều được hưởng lợi.

Việc Việt Nam cam kết chấm dứt sử dụng than trong các nhà máy điện và tham gia nỗ lực chung nhằm ngăn chặn nạn phá rừng là những cam kết rất quan trọng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Terence Jones cho rằng việc ra quyết định của Chính phủ trong thời gian tới cần chú ý đến các vấn đề liên quan tới khí hậu và thiên nhiên vì đây vốn là nền tảng cho một xã hội bền vững.

Việc Chính phủ đưa ra các thông báo rõ ràng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trong các cơ quan Chính phủ, trong khu vực tư nhân, trong các cộng đồng đưa ra quyết định góp phần đạt được các mục tiêu đề ra vào năm 2050.

UNDP và các tổ chức khác trong Liên hợp quốc (LHQ) cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam để tìm sự ủng hộ to lớn từ phía cộng đồng quốc tế cũng như đóng góp mạnh mẽ vào việc thực hiện các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam.

Theo ông Terence Jones, vì có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và điện gió, Việt Nam cần xem xét sửa đổi những kế hoạch liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tận dụng cơ hội từ những chính sách mới mang lại.

Việt Nam cũng cần xem xét chi tiết hơn một số đối tượng sử dụng năng lượng chính trong nền kinh tế, như ngành xây dựng, ngành giao thông vận tải, công nghiệp và nông nghiệp.

Trong lĩnh vực xây dựng, UNDP đã và đang hỗ trợ Việt Nam giảm việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà cao tầng bằng công nghệ hiện đại và tận dụng năng lượng mặt trời được tạo ra từ các tòa nhà này.

Trong lĩnh vực giao thông, UNDP cũng đang hỗ trợ thử nghiệm hệ thống giao thông sử dụng điện (e-mobility), trong đó có tăng cường việc sử dụng xe máy điện và chia sẻ phương tiện đi lại.

Trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, Chính phủ đã nỗ lực rất tích cực để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn và UNDP đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.

Việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn không chỉ là cải thiện việc sử dụng nguồn tài nguyên, nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam mà còn làm giảm phát thải.

Tương tự, cam kết chấm dứt nạn phá rừng và mở rộng rừng ở Việt Nam không chỉ giúp giải quyết một số vấn đề về biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, quản lý tài nguyên nước mà còn giảm lượng khí thải. UNDP đang hỗ trợ Việt Nam phát triển và tái tạo rừng ngập mặn ở các vùng ven biển với mục tiêu ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra các bể chứa carbon.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió. Nguồn ảnh Internet

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió. Nguồn ảnh Internet

Biến đổi khí hậu cùng với những hệ quả đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Khí thải carbon là nguyên nhân chính cho sự nóng dần lên của trái đất, gây ra các đợt hạn hán, bão lũ và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sự sống của hàng tỷ người trên trái đất. Do đó, các biện pháp giảm phát thải nhà kính mạnh mẽ là yếu tốt then chốt để ngăn chặn biển đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới đã đặt ra mục tiêu trung hòa carbon trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland (Anh). Chuyển đổi sang nền kinh tế không phụ thuộc vào năng lượng phát thải carbon và hướng đến một tương lai phát triển bền vững là yếu tố tiên quyết để nhân loại tồn tại và phát triển.

Tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Chìa khoá đạt được mục tiêu trung hoà carbon đó chính là xây dựng các hệ thống nguồn năng lượng dựa trên các nguồn năng lượng sạch và năng lượng mới.

 

Theo ông BRUCE LI, Phó Chủ tịch Kinh doanh Năng lượng số Châu Á - Thái Bình Dương của Huawei Digital Power cho biết: “Lĩnh vực năng lượng số (Digital Power) chính là mảng xương sống trong tương lai của ngành năng lượng. Đó chính là việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số và điện tử công suất hướng đến nguồn năng lượng xanh và sạch hơn. Ứng dụng những công nghệ trong lĩnh vực ICT, điện tử công suất tích hợp đưa vào tất cả các ngành công nghiệp, các lĩnh vực trong cuộc sống, đơn cử như ngành năng lượng mặt trời, giao thông thông minh, xe điện và hạ tầng cho xe điện.”

Huawei đã sớm đầu tư vào chiến lược phát triển năng lượng số, bao gồm phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy việc chuyển đổi số các nguồn năng lượng truyền thống, kết hợp công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý năng lượng, tăng cường chia sẻ dữ liệu về năng lượng để tạo ra một tương lai tốt đẹp và xanh hơn. Huawei tập trung đưa ra các sản phẩm giải pháp công nghệ đóng vai trò then chốt nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu giảm thiểu carbon trên toàn cầu. Ngành ICT sẽ giúp các lĩnh vực khác cắt giảm lượng khí thải carbon gấp 10 lần so với mức phát thải của chính ngành ICT. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2030, công nghệ kỹ thuật số có thể sẽ giúp giảm 15% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Trung hoà carbon là mục tiêu chung của toàn cầu, Huawei luôn nỗ lực trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon trong sản xuất và vận hành. Năm 2016, Huawei đạt được mức giảm 33,2% lượng khí thải carbon so với doanh thu. Mục tiêu mới cho năm 2025 là sẽ giảm thêm 16% lượng khí thải carbon tính theo doanh thu và tăng hiệu quả năng lượng của các sản phẩm lên 2,7 lần.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm