Khoa học - Công nghệ

Đổi mới sáng tạo mở: Giá trị mới trong nền kinh tế chia sẻ

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, chỉ có đổi mới sáng tạo (ĐMST) mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Tiếp đó là "mở" trong thiết kế mô hình vận hành, sản xuất kinh doanh, "mở" trong liên kết hợp tác, "mở" trong tư duy và cuối cùng là "liên kết hợp tác".

Lần đầu tiên phát hành báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” / Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải thực tế với cuộc sống, tạo ra giá trị thương mại

Đổi mới sáng tạo mở - OI (Open Innovation)

ĐMST được hiểu là quy trình biến một ý tưởng, một phát minh thành hàng hóa hoặc dịch vụ tạo ra những giá trị hoặc các khách hàng sẽ trả tiền cho hàng hóa, dịch vụ đó. Khái niệm “đổi mới sáng tạo mở” - OI (Open Innovation) được nhìn nhận như kết quả đầu ra của một quy trình đồng sáng tạo phức tạp có liên quan tới các dòng chảy tri thức xuyên khắp toàn bộ môi trường kinh tế và xã hội. OI đòi hỏi trao đổi tri thức cũng như năng lực hấp thụ từ tất cả các tác nhân tham gia, bất kể là doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở tài chính, chức trách nhà nước hay công dân.

Do vậy, OI không thay thế cho quy trình ĐMST Truyền thống (ĐMST Đóng), mà được nhìn nhận như một bổ sung cần thiết nhằm giúp đỡ các công ty luôn cập nhật được với xu thế công nghệ mới nhất, giúp đỡ giải quyết những vấn đề trong quá trình tìm tòi và phát triển sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, để các ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực cần liên kết, tạo cộng hưởng giữa Nhà nước, startup, doanh nghiệp... để hình thành chuỗi giá trị.

Thay đổi tư duy từ “đóng” sang “mở”

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, khái niệm “mở” đã khác với trước đây. Nếu như các năm trước, việc kết nối mới chỉ dừng lại ở các cấu phần trong hệ sinh thái gồm những người khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà cố vấn, cơ quan chính phủ/địa phương thì giờ đây, với cách tiếp mở, hệ sinh thái kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty. Những đơn vị này trở thành người đặt đầu bài, tìm kiếm các phương thức mới giải quyết bài toán của mình từ startup bên ngoài. Nếu năng lực của người làm khởi nghiệp không đủ để giải quyết, họ sẽ nhận được hỗ trợ từ các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng nhìn một cách tổng thể, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn chưa đạt được tỷ lệ tương xứng với tiềm năng. Tính liên kết, hợp tác trong hệ sinh thái chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là các hoạt động từ phía các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, một trong những trụ cột lớn của hệ sinh thái.

Nhưng để các ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực thì phải có sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hỗ trợ những người khởi nghiệp, và sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, doanh nhân đã thành công cho các bạn khởi nghiệp có thể hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong tương lai.

Do đó, cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng với những tính chất chuyên biệt như: tạo sản phẩm, dịch vụ mới, cải tiến sản phẩm, dịch vụ đã có, cải tiến quy trình, dây chuyền sản xuất kinh doanh, cải tiến về mặt con người và hơn nữa là đổi mới về tư duy duy, mô hình kinh doanh.

Còn theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (thuộc Bộ KH&CN), đổi mới sáng tạo hiện đã trở thành nhu cầu cấp bách và cần thiết chứ không còn là khuyến khích hay lựa chọn của doanh nghiệp. Hiện nay thế giới đã chuyển sang giai đoạn nền kinh tế chia sẻ. Trong đó việc chia sẻ về tri thức sẽ giúp nền kinh tế của nước ta phát triển.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hợp tác với công ty, tập đoàn lớn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho việc gia nhập thị trường. Đó là cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng, những buổi đào tạo đến từ các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm và trên hết là các hợp đồng và cơ hội hợp tác.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại toạ đàm.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại toạ đàm "Đổi mới sáng tạo mở: Hợp tác cùng phát triển".

Hệ sinh thái ĐMST mở chính là sự cởi mở tư duy về cách thúc đẩy các sản phẩm sáng tạo có ích cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Đây là cơ hội các viện nghiên cứu, trường Đại học, startup coi tập đoàn, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính của mình. Các tập đoàn, doanh nghiệp mở hệ sinh thái, không chỉ dựa vào nguồn lực bên trong mà còn sử dụng trí tuệ bên ngoài để phát triển sản phẩm.

"Trong mối quan hệ đó, viện trường, doanh nghiệp khởi nghiệp trở thành khách hàng, nhà đầu tư, sử dụng sản phẩm, trí tuệ của nhau", ông Quất nói.

Cùng quan điểm với ông Quất, ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, trong quá trình đổi mới sáng tạo, chúng ta cần xây dựng các hệ sinh thái, cần có sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước và cần cả sự hỗ trợ từ những công ty, tập đoàn công nghệ lớn để có thể hỗ trợ được cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ và thúc đẩy

 

Tại lễ Bế mạc Techfest 2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã gợi ý về việc mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn nhân lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái và cần có sự thay đổi tư duy từ “đóng” sang “mở”. Theo Thứ trưởng Tùng, để làm được việc này thì hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cần có những chính sách mới, hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

“Có những vấn đề mà nếu không có chính sách mới, hoặc không có thử nghiệm chính sách sẽ không giải quyết được bài toán của kinh tế xã hội. Việc này phải thử nghiệm ở hệ sinh thái khởi nghiệp trước, sau đó nếu thấy tốt, có lợi ích với đất nước chỉ sẽ điều chỉnh mở rộng phạm vi” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Cụ thể nhất là việc hình thành mô hình doanh nghiệp khởi nguồn cho trường đại học. Đây là nhu cầu có thật của các trường đại học như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… Những mô hình như vậy sẽ thúc đẩy sự liên kết của nhà khoa học với doanh nghiệp. Khi nhà khoa học có công nghệ, có thể dùng các nghiên cứu để thành lập công ty, thương mại hóa thành sản phẩm, từ đó kêu gọi đầu tư hợp tác từ doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, việc triển khai những mô hình như thế này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do các quy định của Luật Viên chức, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công sản... Đây sẽ là điểm nút cần được chính sách tháo gỡ.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm