Tin tức - Sự kiện

Đã đến lúc dỡ bỏ khống chế trần chi phí quảng cáo?

Hiện tại, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không còn khống chế chi phí quảng cáo. Các chuyên gia cho rằng, quy định về thuế của Việt Nam về lâu dài nên xóa bỏ sự khống chế này; khi chưa xóa bỏ được thì cần nới rộng mức khống chế hơn nữa và phân thành các mức khống chế khác nhau với từng nhóm mặt hàng, doanh nghiệp kinh doanh đặc thù.
Điểm n, Khoản 1, Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định tỷ lệ chi phí quảng cáo được khống chế ở mức 10% tổng chi phí áp dụng đối với doanh nghiệp đang hoạt động và 15% tổng chi phí đối với doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm đầu. Xét trong bối cảnh bùng nổ thông tin truyền thông như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng mức khống chế này đã làm hạn chế thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng, làm cho chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp gặp khó. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay, lượng hàng tồn kho rất lớn, thì quy định tỷ lệ khống chế quảng cáo này lại đang góp phần cản trở việc kích cầu tiêu dùng, lưu thông hàng hóa. 
 
Để khắc phục những hạn chế, ở Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chuẩn bị trình QH xem xét thông qua, Bộ Tài chính đề xuất nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại từ 10% hiện hành lên 15%, đồng thời bỏ mức ưu đãi 15% cho các doanh nghiệp mới thành lập 3 năm đầu; loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng. Nhìn chung, với sự sửa đổi này, cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ mừng một nửa, vì dường như sợi dây trói chỉ được nới rộng ra, chứ chưa được cởi bỏ! 
 
Hiện tại, trên thế giới chỉ còn vài ba nước duy trì quy định khống chế trần chi phí quảng cáo, trong đó có Trung Quốc. Tỷ lệ khống chế trần quảng cáo của quốc gia này là 15% trên tổng doanh thu hằng năm, chứ không phải trên tổng chi phí hợp lý như quy định của nước ta. Theo trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư Trương Thanh Đức, việc khống chế chi phí quảng cáo không phải là cách có thể bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, bởi nếu có áp tỷ lệ khống chế là 1% thì với tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài vẫn sẽ quảng cáo và chiếm lĩnh tất cả các kênh truyền thông trung ương và địa phương. Quan trọng là cần căn cứ hóa đơn, chứng từ để biết các chi phí quảng cáo này có thật hay không, chứ không phải là chi bao nhiêu, vì chi phí hợp lệ, hợp pháp của doanh nghiệp này cũng chính là thu nhập của doanh nghiệp, cá nhân khác. Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị, Dự thảo Luật nên dỡ bỏ giới hạn này, hoặc nếu không bỏ thì cũng nên nâng tỷ lệ khống chế lên mức 50%. 
 
Ngoài ra, quy định bỏ ưu đãi đối với doanh nghiệp mới thành lập như trước đây cũng được cho là một "bước lùi" của dự thảo Luật, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương thuộc ĐHQG Hà Nội thì việc quy định đánh đồng áp dụng một mức chung đối với các doanh nghiệp mà chưa cân nhắc đến vị trí yếu thế của các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ là không công bằng. Thực tế, những doanh nghiệp mới thành lập thì việc xây dựng và phát triển thương hiệu là hoạt động sống còn, nếu như quy định khống chế ở mức 15% thì thật khó để các doanh nghiệp có thể phát triển được thương hiệu của mình. Bà Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất, bên cạnh phương án khấu trừ chi phí theo tỷ lệ %/tổng chi phí cũng cần đưa ra phương án khấu trừ chi phí/tổng doanh thu và đánh giá tác động đến sự bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp.
 
Khi điều chỉnh tính giảm trừ chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần tránh sự cào bằng mà nên quy định theo tính chất từng nhóm ngành và tính thời gian của quảng cáo. Cụ thể, nên phân biệt và giảm trừ nhiều hơn chi phí quảng cáo cho sản phẩm của các ngành dịch vụ so với ngành sản xuất; cho sản phẩm có tính chất thời vụ, vòng đời ngắn hạn so với những sản phẩm ổn định và có vòng đời dài hạn. Đồng thời, cần có ưu đãi đối với các sản phẩm mới và các công ty mới tham gia thị trường. Cùng với đó, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, tính giảm trừ chi phí quảng cáo cũng cần theo mục tiêu sử dụng sản phẩm. Theo đó, nên tăng mức khấu trừ để khuyến khích hàng nội địa, khuyến khích hàng hóa được sản xuất theo công nghệ xanh, sạch; đồng thời giảm mức khẩu trừ chi phí quảng cáo đối với các sản phẩm không khuyến khích sử dụng.
 
Quảng cáo là hoạt động thiết thân của doanh nghiệp và cần thiết trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nên để doanh nghiệp chủ động quyết định chi phí quảng cáo của mình, về lâu dài nên dỡ bỏ việc khống chế chi phí quảng cáo. Nhà nước chỉ nên can thiệp vào hoạt động quảng cáo nhằm bảo đảm tính minh bạch kinh doanh, ngăn ngừa, xử lý các quảng cáo sai, quảng cáo không lành mạnh. Trong khi còn duy trì sự khống chế chi phí quảng cáo, thì cần nới lỏng tỷ lệ hơn nữa và có các mức trần khác nhau đối với từng nhóm ngành hàng, doanh nghiệp cụ thể.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo