Pháp luật

Đại án OceanBank: Điểm lại những tình tiết đáng chú ý

Trong hai ngày 12 và 13/9, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Những ngày xét xử trước đó, nhiều bất ngờ đã xuất hiện ngay tại phiên xử.

Trên cơ sở lời khai của các bị cáo, HĐXX đã triệu tập nhiều cá nhân đã và đang giữ chức vụ chủ chốt tại các tổng công ty, công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đối chất với các bị cáo về lời cáo buộc đã nhận lãi suất ngoài trái quy định từ Oceanbank với số tiền hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng, theo tin tức trên báo Công an Nhân dân. 

Bị cáo Hà Văn Thắm. Ảnh CAND

Nhưng đây mới chỉ là những vấn đề liên quan đến giai đoạn 1 của đại án kinh tế này. Bởi hiện nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ giai đoạn 2 của đại án kinh tế này vì hậu quả ghê gớm không kém giai đoạn 1. 

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trong thời gian từ năm 2011 đến 2014, đã có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do ngân hàng này chi trả. 

Các khoản tiền ngoài lãi suất huy động mà Oceanbank chi cho các cá nhân, tổ chức kinh tế (gọi chung là khách hàng) xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm và đồng phạm. Đây là những khoản lãi suất không thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký với Oceanbank.

Trong số nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp nhiều vốn Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SIBS) có dấu hiệu thông đồng với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank nhận các khoản tiền để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.

Đối với hành vi, trách nhiệm liên quan đến việc góp vốn của cổ đông có vốn Nhà nước vào Oceanbank, cụ thể là PVN góp 800 tỷ đồng (20%) đến nay không có khả năng thu hồi do Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, dẫn tới các đơn vị này bị lỗ số tiền góp vốn; ngoài ra Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà cũng góp vốn 266 tỷ đồng (6,65%) đến nay không có khả năng thu hồi cũng cần được làm rõ.

 

Do thời hạn điều tra đã hết nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra và xử lý sau.
Cũng liên quan đến chỉ đạo của Hà Văn Thắm, trong thời gian từ 22-12-2010 đến 25/11/2013, Vũ Thị Thùy Dương thực hiện chỉ đạo của Ban điều hành Oceanbank đã ký tổng cộng 45 hợp đồng khống với 20 đối tác, tổng giá trị hơn 133 tỷ đồng, Oceanbank đã thanh toán gần hết số tiền này và nhận lại từ các đối tác hơn 84 tỷ đồng.

Tiếp đó, tháng 5/2014, để có tiền sử dụng cá nhân, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo Thư ký HĐQT Oceanbank Nguyễn Thị Lan Hương lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của Dự án Star City Westlake giữa 9 cá nhân do Thắm chỉ định với Công ty Viptour-Togi làm chủ đầu tư.
Sau đó, Thắm chỉ đạo Nguyễn Thị Dung là người được Thắm thuê làm Phó Tổng Giám đốc Công ty Viptour-Togi ký vào các hồ sơ này, đồng thời chỉ đạo Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Phòng Giao dịch Đào Duy Anh, chi nhánh Hà Nội (Oceanbank) thẩm định cho vay tổng số tiền 139 tỷ đồng. 
Nguyễn Việt Hà cùng cấp dưới chỉ dựa vào hồ sơ đề nghị vay vốn do Nguyễn Thị Lan Hương cung cấp mà không thẩm định khả năng tài chính khách hàng, không định giá tài sản đảm bảo khoản vay mà lập 9 tờ trình khách hàng cá nhân để trình Hội sở Oceanbank xét duyệt khoản vay này.
Dù sau đó, những hồ sơ này đã bị Phòng thẩm định cá nhân của Hội sở Oceanbank trả lại do không đủ điều kiện nhưng Hà Văn Thắm và Phó Tổng Giám đốc Oceanbank lúc đó là Nguyễn Văn Hoàn vẫn đồng ý cho vay.

Trên cơ sở đó, Phòng Giao dịch Đào Duy Anh đã giải ngân số tiền hơn 137 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Viptour-Togi. Thông qua công ty này, Thắm đã nhận và sử dụng toàn bộ số tiền này để trả nợ cho các khoản vay khác của anh ta. Do thời hạn điều tra đã hết nên hành vi phạm tội này của Thắm và các đối tượng liên quan cũng được cơ quan điều tra tách rút để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.

Trong diễn biến liên quan, ngày 13/9, mở rộng điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và các đồng phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh (Phó tổng giám đốc PVN) về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 280 Bộ luật Hình sự, báo Zing news đưa tin. 

Trước đó, ngày 30/8, trong phiên xét xử Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm, Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) bất ngờ khai trong tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng nhận từ Hà Văn Thắm, ông ta có đưa cho Ninh Văn Quỳnh (lúc đó đang giữ chức Kế toán trưởng PVN) khoảng 30-40 tỷ đồng để chi đối nội, đối ngoại cho PVN.

 

Với những lời khai trên, HĐXX gọi ông Ninh Văn Quỳnh lên để đối chất. Tại tòa, ông Quỳnh cho biết bản thân ông cũng như PVN nhận thức rõ không được nhận lãi ngoài vì đó là vi phạm pháp luật, có thể kết tội Tham ô và Nhận hối lộ. Cá nhân ông Quỳnh cũng như lãnh đạo tập đoàn dầu khí không ai nhận lãi ngoài.

Sau lời khẳng định trên, ngày 31/8, Ninh Văn Quỳnh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan tới khoản tiền 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank.

Theo lời khai của Quỳnh sáng 7/9 trước tòa, từ 2009 đến tháng 12/2013, ông ta đã nhận của Sơn tổng số 20 tỷ đồng. Số tiền này Quỳnh chi 3 tỷ mua nhà, 800 triệu mua ôtô, cho 2 con đi du học hết 4,5 tỷ, 2 tỷ mua cổ phiếu, hơn 1 tỷ cho những lần đi tham quan, nghỉ mát... Số còn lại hơn 9 tỷ trong sổ tiết kiệm đã bị cơ quan điều tra thu giữ.

Sau lời khai chi tiết, vị chủ tọa hỏi Quỳnh: "Ông chốt lại đã nhận bao nhiêu tiền từ Nguyễn Xuân Sơn?”. Nguyên Phó tổng giám đốc PVN nói từ 2009 đến hết năm 2013 đã nhận từ Sơn khoảng 20 tỷ đồng.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Công an Nhân dân, Zing news)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo