Dân uống bia phải chi thêm 17.000 tỉ đồng?
Hai bộ muốn “cưỡi” tem bia
Khoản 1 Điều 8 dự thảo nghị định nêu: “Bia sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường VN phải dán tem trên bao bì sản phẩm”. Trong khi các nhà quản lý đồng tình với điều này, thì các DN lại phản đối việc dán tem cho các sản phẩm bia, bởi lý do “tốn kém”. Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát VN - nhận định: “Một năm, VN tiêu thụ khoảng 3 tỉ lít bia, tương đương với 10 tỉ sản phẩm bia, và để dán tem hết cho ngần ấy sản phẩm thì quả là điều khó khăn và quá tốn kém”.
Đại diện các DN Habeco, Sabeco cùng lên tiếng đề nghị các nhà quản lý cần nghiên cứu kỹ hơn điều khoản này, bởi với giá từ 600 - 700 đồng/tem thì chi phí cho việc dán tem sẽ lên tới 17.000 tỉ đồng.
Riêng Sabeco với sản lượng 1 triệu sản phẩm/ngày và 4 tỉ sản phẩm/năm cũng sẽ phải chi 800 tỉ đồng cho việc dán tem. Cùng với chuyện đó là hàng loạt các chi phí cho nhân lực dán tem, máy móc, công nghệ nhận dạng tem thật, tem giả… “Chi phí của DN cũng chính là chi phí xã hội, dán tem bia đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bia sẽ phải trả tiền cho những con tem đó” - ông Nguyễn Văn Sĩ - Trưởng ban Pháp chế Sabeco - nói.
Trước sự “thoái thác” của các DN trong việc dán tem cho các sản phẩm bia, Thứ trưởng Bộ Công Thương - bà Hồ Thị Kim Thoa - cho rằng: Bộ Công Thương sẽ quản lý tổng thể, Bộ Tài chính sẽ quản lý doanh thu, và mỗi sản phẩm dán tem được bán ra sẽ báo về hệ thống của 2 bộ để 2 bộ cùng quản lý, còn chi phí dán tem thì doanh nghiệp sẽ phải chịu. Nếu đưa được việc dán tem vào thực tế thì sẽ quản lý được việc thu ngân sách nhà nước, đồng nghĩa với việc tăng ngân sách nhà nước. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở dự thảo, nếu thực hiện được thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn.
Cấm thì dễ, quản mới khó!
Dư luận rất quan tâm đến việc cấm kinh doanh bia tại các địa điểm: Trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè và cấm bán bia cho trẻ em dưới 18 tuổi, những người có biểu hiện say, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú, những người đang có bệnh lý về lạm dụng bia, rượu... (khoản 9, khoản 10 điều 16 dự thảo) và nhận được sự đồng tình của hầu hết mọi người về mặt ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên, có khả thi hay không, quản lý và xử lý vi phạm như thế nào thì lại là vấn đề nan giải và chưa mở ra được hướng giải quyết thỏa đáng.
Theo PGĐ Sở Công Thương Hà Nội Trần Phương Lan thì, cấm kinh doanh bia tại trường học, bệnh viện, trẻ em… là đúng đắn và hợp lý mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. “Chỉ có VN và các nước kém phát triển mới bày bán đủ thứ linh tinh trên vỉa hè, gây mất cảnh quan đô thị, mất trật tự ATGT, cũng như khó có thể quản lý về vệ sinh ATTP” - bà Lan nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT - bức xúc khi đặt vấn đề quản lý, tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm ra sao, chứ không phải đặt ra luật rồi bỏ đấy. PGĐ Sở CT Đà Nẵng - ông Lữ Bằng - cho rằng, cần có một đề án cụ thể hơn, đồng thời hướng tới tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, chứ không thể chỉ đưa ra một điều luật “vô thưởng vô phạt”, không ai chịu trách nhiệm thi hành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững