Đấu thầu dự án ODA: Những “phiên chợ” một người mua
Bài 1: Những phiên chợ một người mua
Việc xử lý tình huống đấu thầu chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu tại các gói thầu sử dụng vốn STEP luôn là một gánh nặng rất lớn đối với các chủ đầu tư ngành giao thông - vận tải.
“Ngó” đông, “mua” một
Đến thời điểm này, vết “gợn” duy nhất trong quá trình tuyển chọn nhà thầu cho Gói thầu tư vấn HURC1 - 001, Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 1 (giai đoạn I) chính là việc liên danh nhà thầu do Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đứng đầu đã “một mình một chợ” tại lễ mở thầu diễn ra vào tháng 1/2009.
Dò lại quá trình đấu thầu Gói thầu HURC1 - 001, nơi đang là “tâm bão” của nghi án JTC đưa hối lộ, có thể nhận thấy, quy trình, trình tự tuyển chọn nhà thầu được các bên liên quan thực hiện rất bài bản, theo đúng hướng dẫn của Luật Đấu thầu và nhà tài trợ.
Cụ thể, sau khi được sự chấp thuận của Bộ Giao thông - Vận tải, chủ đầu tư (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), vào tháng 4/2008, Ban quản lý Dự án đường sắt (RPMU) đã gửi thư mời nộp hồ sơ quan tâm tới 12 công ty tư vấn, gồm 5 công ty do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) giới thiệu và 7 công ty khác đã từng thực hiện dự án tại Việt Nam, trong đó có liên danh gồm 8 công ty tư vấn do JTC đứng đầu.
Với số lượng thư mời khá lớn được phát đi, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ có nhiều ứng thầu có năng lực tham dự nhằm tạo một cuộc đấu thầu có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ quan tâm, chỉ có 4 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm.
Danh sách ứng thầu quan tâm tiếp tục “co” lại tới mức tối thiểu, khi vào thời điểm mở thầu (ngày 14/1/2009), RPMU chỉ nhận được 1 hồ sơ dự thầu của Liên danh JTC.
Đây là điều khó hiểu, bởi với giá gói thầu lên tới 4,64 tỷ yên và 91,6 tỷ đồng, Gói thầu tư vấn này được đánh giá là “vừa sức” đối với nhiều doanh nghiệp tư vấn, dù phạm vi tuyển chọn được mặc định là sân chơi dành riêng cho các nhà thầu Nhật Bản hoặc liên danh nhà thầu Nhật - Việt, trong đó doanh nghiệp nước bạn đứng đầu liên danh.
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) thừa nhận, việc chỉ có một nhà thầu Nhật Bản hoặc liên danh có nhà thầu Nhật Bản đứng đầu nộp hồ sơ dự thầu, dù lúc phát hành hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ quan tâm có rất đông ứng thầu quan tâm, là vấn đề không mới tại các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.
Nhận định này có cơ sở, bởi theo thống kê công tác đấu thầu của Bộ Giao thông - Vận tải trong vòng 5 năm trở lại đây, “tình huống đấu thầu” như vậy xảy ra khá phổ biến tại các gói thầu tư vấn và xây lắp sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, nhất là các gói thầu sử dụng vốn STEP.
Tại Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, vào thời điểm nộp hồ sơ dự sơ tuyển cho Gói thầu số 6 - gói thầu xây lắp chính (ngày 4/4/2012) chỉ có 1 nhà thầu là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui - IHI - Nippon (đều của Nhật Bản) tham dự.
Mặc dù đã được nhà tài trợ cho phép hủy sơ tuyển để áp dụng hình thức “đấu thầu rộng rãi quốc tế không áp dụng sơ tuyển theo quy định và hướng dẫn của nhà tài trợ”, nhưng vào thời điểm đóng thầu, vẫn chỉ có duy nhất 1 ứng thầu nộp hồ sơ dự thầu, đó là Liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng Trương Sơn - Cienco4.
Tình trạng nhà thầu Nhật Bản “một mình một chợ” không chỉ diễn ra tại các công trình đường bộ, đường sắt, mà còn “dắt dây” sang cả lĩnh vực hạ tầng hàng không.
Tại Gói thầu 10A - Xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị nhà ga thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hàng không quốc tế T2, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, dù Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc (nay là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) đã phải chuyển từ đấu thầu có sơ tuyển sang đấu thầu rộng rãi không sơ tuyển, nhưng Taisei Corporation (Nhật Bản) là cái tên duy nhất kiên nhẫn tham gia nộp hồ sơ sơ tuyển và hồ sơ dự thầu.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Gói thầu 10B, với Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản (JAC) là ứng thầu duy nhất quan tâm.
Một hiện tượng, hai tình huống
Đến thời điểm này, chưa có bất kỳ cơ quan chức năng nào cắt nghĩa chính xác nguyên nhân của hiện tượng trên, nhưng có thể nhận thấy, việc chỉ có một ứng thầu tham dự tại các dự án vốn STEP đã mang lại hai tình huống rất phức tạp cho các bên liên quan, đó là mất nhiều thời gian để xử lý việc chỉ có một nhà thầu và giá bỏ thầu vượt xa giá gói thầu.
Trao đổi với PV, lãnh đạo một ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, làm dự án vay vốn STEP luôn thường trực nỗi ám ảnh phải xử lý các tình huống đấu thầu mất rất nhiều thời gian và công sức.
Được biết, tại Gói thầu 6A, Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, chủ đầu tư phải mất gần 20 tháng (gần 2/3 thời gian thi công gói thầu được ấn định), với cả chồng công văn qua lại xin ý kiến để xử lý tình huống chỉ có một nhà thầu tham dự đấu thầu.
Trên thực tế, đây vẫn chưa phải là kỷ lục thời gian chọn thầu tại các dự án vốn STEP. Tại Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu, do không hội đủ số lượng ứng thầu tối thiểu, nên phải mất 3 năm ròng rã, với 6 lần bán hồ sơ mời thầu, 2 lần mở thầu hụt, đến cuối tháng 4/2011, Gói thầu số 2 - xây dựng đường và cầu dẫn phía Nam mới được Bộ Giao thông - Vận tải trao cho Liên danh SMV, bao gồm Công ty Sumitomo, Công ty Mitsui (Nhật Bản) và Vinaconex.
“Đây là một trong những lý do khiến dự án trọng điểm này của Hà Nội bị trễ tiến độ hơn 2 năm”, ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh lý do thủ tục thẩm định, phê duyệt, xử lý tình huống trong đấu thầu thường rất phức tạp, việc phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền cũng như của nhà tài trợ khiến chủ đầu tư hết sức bị động, chỉ cần chậm vài nhịp cũng có thể làm vỡ tiến độ tổng thể của cả công trình.
Việc xử lý tình huống thứ hai thậm chí còn khiến các chủ đầu tư đau đầu hơn, khi phần lớn giá đề nghị trúng thầu của các gói thầu sử dụng vốn STEP vượt khá xa giá gói thầu.
Tại Gói thầu 10A, Dự án Xây dựng Nhà ga hàng không quốc tế T2, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, giá bỏ thầu của Liên danh Taisei - Vinaconex cho Gói 10A sau khi đã điều chỉnh lỗi số học là 37 tỷ yên và 5,341 tỷ đồng, tăng 19,49% so với giá gói thầu được duyệt.
Tại Gói thầu 10B, giá bỏ thầu của JAC dù chỉ tính lương và chi phí khác là 1,43 tỷ yên và 167,8 tỷ đồng, vượt 2,8% so với giá dịch vụ tư vấn giám sát theo Biên bản ghi nhớ giữa chủ đầu tư và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Tại Gói thầu 6A, Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, giá dự thầu của Liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng Trương Sơn - Cienco4 là 8.455 tỷ đồng, tăng 1.181 tỷ đồng (tăng 16,23%) so với dự toán được duyệt.
Theo quy định tại Luật Đấu thầu, với giá dự thầu vượt xa giá dự toán (như tại Gói thầu 10A), việc hủy kết quả đấu thầu cần phải được xem xét.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khi vẫn còn khoảng cách quá lớn giữa giá dự toán được lập bởi tư vấn lập dự toán và giá xác định bởi đơn vị thẩm tra dự toán; giữa giá gói thầu của chủ đầu tư và giá bỏ thầu của nhà thầu..., nên khả năng “vỡ thầu” là hoàn toàn có thể xảy ra nếu đấu thầu lại.
Bên cạnh đó, theo quy định của nhà tài trợ, việc tiến hành thương thảo với nhà thầu có giá thấp nhất chỉ được thực hiện khi đồng thời phải điều chỉnh phạm vi, quy mô gói thầu cũng khiến chủ đầu tư gặp khó khăn khi xử lý tình huống đấu thầu thứ hai: giá bỏ thầu vượt xa giá gói thầu.
“Thực tế triển khai dự án sử dụng vốn STEP có tính cạnh tranh thấp, thường chỉ có một nhà thầu đáp ứng yêu cầu dự thầu và nhà thầu bỏ giá vượt quá giá dự toán được duyệt, dẫn đến phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, làm chậm thời gian thực hiện dự án và tăng chi phí đầu tư”, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định