Tin tức - Sự kiện

Đầu tư là đúng, nhưng đúng hơn phải là đầu tư hiệu quả

Lại một lần nữa quá tải bệnh viện được xới lên nhân chuyến làm việc của bộ trưởng Y tế tại TP. Hồ Chí Minh hồi tuần qua. Bác sĩ Phan Quý Nam, nguyên giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương – TP. Hồ Chí Minh, giảng viên bộ môn quản lý bệnh viện ở một số trường đại học, đã chia sẻ một góc nhìn về câu chuyện này.

“Quá tải bệnh viện không phải là chuyện của vài năm gần đây mà của hơn chục năm nay rồi. Tôi nhớ hồi trước các lãnh đạo ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã nói chuyện này khá nhiều, thế nhưng đến nay chúng ta vẫn không giải quyết được”.

 

Vậy theo ông tại sao tồn tại quá tải bệnh viện?

 

Vì chúng ta chưa biết cách giải quyết và chưa có giải pháp đúng. Gần đây bộ trưởng Y tế đã đi nhiều nơi để tìm cách giải quyết quá tải bệnh viện. Nhưng khi nói chuyện với các anh em trong ngành y tế với nhau, chúng tôi thấy cách giải quyết mà bộ trưởng đưa ra cũng không khác nhiều so với các bộ trưởng tiền nhiệm.

 

Trước đây, bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu từng nói hai năm nữa sẽ giải quyết được quá tải bệnh viện, còn bộ trưởng đương nhiệm thì nói ba năm. Thế nhưng câu chuyện ở đây không phải hứa, mà cái chính là chuyện lời hứa đó được dựa trên khảo sát nào. Theo tôi, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một cuộc khảo sát sâu và toàn diện về thực trạng quá tải bệnh viện ở nước ta.

 

Chỉ khi khảo sát đầy đủ và kỹ lưỡng rồi chúng ta mới đưa ra được nguyên nhân và giải pháp. Bên cạnh đó, trong khi làm chúng ta cũng phải đánh giá thường xuyên xem giải pháp có còn phù hợp không, có phát sinh chuyện gì hay không để điều chỉnh, như thế mới đi đến kết quả mong muốn. Còn với cách làm hiện nay tôi nghĩ khó giải quyết được quá tải bệnh viện.

 

Vừa qua chuyện xây thêm bệnh viện mới, hình thành bệnh viện vệ tinh, cơ sở vệ tinh cho bệnh viện tuyến trên được nói khá nhiều, vậy ông nhìn nhận giải pháp này như thế nào?

 

Chuyện này không khác gì giải quyết đô thị chật chội bằng xây thêm đô thị vệ tinh, thế nhưng người dân chỉ đến sống ở đô thị mới nếu cơ sở hạ tầng ở đó tốt, dịch vụ đi kèm đầy đủ và bộ máy chính quyền phục vụ dân hiệu quả. Tương tự, người bệnh chỉ tìm đến bệnh viện vệ tinh điều trị khi chất lượng ở đó ngang bằng với bệnh viện tuyến trên. Còn nếu chúng ta mở thêm nhiều cơ sở y tế mới mà ở đó sự phục vụ bệnh nhân kém cỏi và tay nghề chuyên môn của nhân viên không đáp ứng, thì người dân cũng không ai mặn mà tìm đến điều trị.

 

Vậy còn giải pháp cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (đề án 1816)?

 

Nâng chất bệnh viện tuyến dưới là cần làm để chống quá tải. Khi còn làm giám đốc bệnh viện, tôi thường về tuyến dưới tìm hiểu và thấy rằng người dân mình không tin vào mạng lưới y tế cơ sở, vì chất lượng điều trị ở đây chưa cao. Khi đó chúng tôi phải tìm hiểu vì sao mà người dân không tin, những cơ sở y tế ở đó thiếu gì và họ cần gì rồi từ đó chúng tôi mới bổ sung những thứ phù hợp. Cách làm này khác với chuyện bệnh viện tuyến trên xuống bệnh viện tuyến dưới và xử sự như kẻ “bề trên”, “ấn” xuống những kỹ thuật mà không cần tìm hiểu, khảo sát và đánh giá tuyến dưới có làm được hay không. Một số bác sĩ tham gia đề án 1816 đã thừa nhận với tôi rằng đề án này tốn kém mà hiệu quả lại không tương xứng.

 

Vậy căn cơ của quá tải bệnh viện là gì và phải làm sao để giải quyết?

 

Để giải quyết một vấn đề, theo lý thuyết chúng ta phải đặt những câu hỏi “Tại sao?”. Vậy tại sao quá tải bệnh viện? Theo tôi gốc rễ của vấn đề là chúng ta xem nặng y học điều trị và xem nhẹ y học dự phòng. Quan điểm này không chỉ tồn tại trong ngành y tế mà cả trong xã hội. Phải thay đổi hoàn toàn quan điểm đó thì chúng ta mới giải quyết thành công quá tải bệnh viện. Đừng nghĩ rằng chỉ cần đầu tư xây thêm bệnh viện, mua sắm trang thiết bị tối tân là sẽ giải quyết được quá tải.

 

Dân số chúng ta gần 90 triệu người, nhưng thử hỏi bao nhiêu người dân vào nằm viện? Ở nước ta, mỗi khi bệnh viện nào đó thực hiện được một ca ghép tạng hay mổ một ca bệnh khó thành công, là xã hội vui mừng và ngành y tế cũng xem như mình phát triển. Không, ngành y tế chỉ phát triển khi giảm thiểu được số người mắc bệnh và tìm đến cơ sở y tế để điều trị. Vậy có hiệu quả không khi chúng ta xem nhẹ y học dự phòng và tăng cường y học điều trị? Nên nhớ rằng ngay cả Mỹ, nước có những bệnh viện hàng đầu thế giới và chữa trị nhiều ca bệnh rất phức tạp, thế mà họ vẫn đầu tư mạnh mẽ cho y học dự phòng.

Nhưng thưa ông, trong vài năm qua các nhà quản lý cũng thấy ra vấn đề và tăng cường cho y học dự phòng và y tế cơ sở, vậy ông thấy đã đủ chưa?

 

Vấn đề không chỉ là đầu tư mà phải đầu tư cho hiệu quả. Nếu đi một vòng quanh thành phố, chúng ta có thể thấy mạng lưới y tế cơ sở chưa phát huy tốt. Tại một vị trí rất đẹp trên đường Nguyễn Tri Phương thuộc quận 5, TP. Hồ Chí Minh có một nhà bảo sanh tuyến cơ sở mà hàng năm chỉ có chục ca sanh thường đến sanh. Thử hỏi chi phí một năm để vận hành bộ máy làm việc (bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng), trang thiết bị, nhà cửa có tương xứng với hiệu quả làm việc hay không? Về góc độ kinh tế y tế, giá một ca sanh thường ở đây sẽ cao ngất ngưởng.

 

Vậy tại sao không đóng cửa nhà bảo sanh này đi khi cách đó không xa có bệnh viện sản Hùng Vương và các bệnh viện đa khoa có khoa sản như Nguyễn Tri Phương, An Bình, 7A, Nguyễn Trãi? Vấn đề ở đây là khi xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, chúng ta làm theo kiểu “mặt trận” mà không chú trọng đến việc khảo sát xem ở địa phương đó người dân cần gì. Như thế, để giải quyết quá tải bệnh viện, một mình ngành y tế không thể làm được mà cần đến sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có cả giới truyền thông.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo