Đề cao bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nền kinh tế thị trường
(vov) Ngày 7/6, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận thực tiễn mới đang đặt ra”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế đánh giá khái quát về thực trạng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta sau gần 27 năm đổi mới, và nhận định: Thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết, trong đó thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế theo chiều sâu.
Mặc dù mô hình kinh tế của Việt Nam đã được thế giới công nhận là có vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu những bất bình đẳng trong xã hội, song các nhà khoa học lo ngại: nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương băn khoăn: “Những bất cập vĩ mô và việc huy động và phân bổ các nguồn lực hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến vấn đề về sở hữu, tương thích giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, vấn đề thể chế kinh tế thị trường. Có nhiều người nói chúng ta dư thừa về chính sách, nhưng lại thiếu huy động có hiệu quả các nguồn lực đó. Nhờ sức mạnh thể chế để phục vụ cho công cuộc phát triển theo chiều sâu, mà chúng ta đang thực hiện bước chuyển đổi từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu”.
Phân tích, đánh giá tình hình kinh tế trong nước và thế giới hiện nay, cũng như các mô hình kinh tế thị trường của các nước, nhiều nhà khoa học cho rằng hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc đề cao bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là rất quan trọng. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta cần gắn liền với nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế đồng thời phải giữ được bản sắc dân tộc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Cần phải quan tâm đến những tiêu chí về kinh tế thị trường mà WTO cũng như các tổ chức quốc tế, các khu vực cũng đã đặt ra. Trong các chính sách của các cơ quan khi điều hành, chúng tôi nghĩ rằng đặc biệt là các Bộ như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư … chưa có đánh giá xem với yêu cầu của WTO thì hiện nay chúng ta đã đạt được những tiêu chí nào và cần đầu tư, có định hướng bổ sung, tăng cường thêm các yếu tố nào khác?”.
Hội thảo này là một bước góp phần khởi động cho việc tổng kết 30 năm đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Lưu Huyền
End of content
Không có tin nào tiếp theo