Doanh nghiệp uể oải
Một ngày sau khi giá điện tăng, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về tác động của giá điện đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp mình, đều tỏ ra mệt mỏi uể oải.
(sgtt) Thép và ximăng có lẽ là hai ngành hiếm hoi có “chút niềm vui” trong lần tăng giá điện này. “Vui một tí” là bởi, theo biểu giá điện mới này, điện bán cho thép và ximăng vẫn chung một mặt bằng giá với nhiều ngành sản xuất khác, chứ chưa tăng như dự thảo vừa được đưa ra cách nay chưa lâu (là dự kiến giá điện bán cho thép và ximăng sẽ tăng từ 2 – 16%).
Lãnh thêm “cú đấm”
Ông Phan Văn Diễn, tổng giám đốc công ty Cosevco 6 cho hay, trước ngày 1/8, các nhà máy xi măng của đơn vị này mua điện với giá 1.477 đồng/kWh, nay tăng thêm 5% tức là tăng gần 74 đồng/kWh. “Trung bình mỗi tấn ximăng dùng 34kWh, vậy mỗi tấn ximăng riêng tiền điện đã ngốn thêm trên 2.500 đồng. Giờ mỗi tháng chỉ cầm chừng sản xuất 7.000 tấn thì đã tốn thêm gần 18 triệu tiền điện. Chưa kể, hiện mỗi tấn ximăng của nhà máy đang bán lỗ 50.000 đồng, nhưng bán rất khó, vậy nói chi chuyện tăng giá để bù chi phí điện. Khó khăn chồng thêm khó khăn”, ông Diễn nói. Vẫn theo ông, trong bối cảnh khó khăn chung vừa qua, doanh nghiệp đã triệt để tiết kiệm bằng mọi cách như giảm công suất, dừng nhà máy lò đứng (để tiết kiệm tiêu hao nhiêu liệu). Rồi dự án đầu tư lò mới với công suất 1.000 tấn/ngày có công nghệ hiện đại hơn cũng phải nằm chờ hơn một năm qua do không vay được vốn. Các đối tác cũng khó khăn… Nhiều thứ dồn ép khiến doanh nghiệp bên bờ phá sản.
Phó chủ tịch thường trực hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết, hiện để sản xuất mỗi tấn phôi thép thì cần 400 – 450kWh tuỳ nhà máy, tương đương với chi phí điện trong giá thành chiếm từ 5 – 5,5%, còn thép cán thì ít hơn, cần khoảng 100kWh/tấn. Tuy nhiên, ông Nghi lưu ý rằng, đó là con số trong trường hợp nhà máy chạy đúng công suất, liên tục, nhưng thực tế do hai năm qua chạy cầm chừng, tiết giảm công suất, nhà máy cứ phải nghỉ rồi khởi động lại nên ngốn điện nhiều hơn. Nhưng giá điện tăng, ngành thép vẫn không thể tăng giá bán để bù vào chi phí đó như ba năm về trước bởi thực tế hiện giờ, riêng việc giữ giá, ngăn chặn bán dưới giá thành đã khiến ngành thép lao đao rồi”, ông Nghi nói. Có đến 60 – 70% doanh nghiệp sản xuất thép ở Hải Phòng và Quảng Ninh đang chết lâm sàng. Tăng giá điện lúc này như một cú đấm khiến số doanh nghiệp này chết nhanh hơn mà thôi”, phó giám đốc một công ty thép có trụ sở tại Hải Phòng, đang trong tình trạng đóng cửa cầm chừng nói như vậy.
Bị tước đi nỗ lực
Một số doanh nghiệp ngành khác cũng cho rằng việc giá đầu vào trong sản xuất tăng liên tục trong vài tháng gần đây đã tước đi nỗ lực cải thiện sức mua. Theo ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan, trong khi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện nền kinh tế vẫn chưa đạt hiệu quả cao, sức mua chưa khởi sắc thì Nhà nước lại liên tục điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu càng làm cho người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường. Bởi vì, khi giá cả đầu vào tăng sẽ tác động dây chuyền lên giá các sản phẩm thiết yếu, càng làm sức mua giảm thêm vì người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu mới có thể trang trải đủ cho cuộc sống. Chưa kể, một bộ phận khác lại có tâm lý “thủ” tiền mà không chịu mạnh tay mua sắm, vì họ mất lòng tin vào nền kinh tế còn có quá nhiều khó khăn phía trước.
Các hãng sữa đã thông báo đến đại lý và cửa hàng về việc điều chỉnh tăng giá từ 5 – 20% tuỳ theo từng loại sữa kể từ đầu tháng 8.2013, tuy nhiên, các siêu thị trên địa bàn TP.HCM cho biết chưa thống nhất đề nghị này, kể cả đối với đề nghị tăng giá của một số nhà cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến khác. Các nhà kinh doanh siêu thị lẫn tiểu thương đều chia sẻ chính họ cũng gánh thêm chi phí điện, nước, xăng; nhưng trong cảnh ế ẩm khi đang vào mùa mưa và mùa tựu trường, các gia đình lo chuyện học hành của con thì chuyện tăng giá hàng tiêu dùng thiết yếu đồng nghĩa với làm giảm sức mua hơn.
Bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết các nhà cung cấp hàng cho hệ thống Co.opMart, Co.opFood chưa thay đổi gì giá cả. Sau nhiều năm gặp tình trạng tăng giá xăng dầu, điện, nước và nhiều loại chi phí khác, doanh nghiệp đã có kế hoạch cân đối giá thành sản xuất và giá bán hàng hoá ra thị trường hàng năm sao cho không để xảy ra tăng giá đột biến. Mặt khác, sức mua thời gian qua khá yếu, từ doanh nghiệp đến nhà bán lẻ phải liên tục khuyến mãi, giảm giá mà còn chưa thấy doanh thu khả quan, nên doanh nghiệp cũng thận trọng khi tăng giá.
Tập đoàn EVN giải thích, việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Song theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, người dùng điện buộc phải chấp nhận tăng giá, nhưng họ sẽ bớt bất bình hơn nếu EVN công khai cơ chế tính giá, giá điện nên được một đơn vị/tổ chức định giá độc lập, có uy tín định giá.
Trung Đức – Đ.H – C.N.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo