Thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may: Rối bời với thuế nhập khẩu nguyên liệu

Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đang đứng trước bài toán tìm nguồn vốn lớn để nộp thuế trước cho lô hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu, nếu đề xuất bỏ ân hạn thuế 275 ngày được thông qua.

Mới đây, trong Công văn số 5219/TCHQ-TXNK gửi Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Tổng cục Hải quan lưu ý, các doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, có chiến lược sản xuất, kinh doanh thích hợp để thực hiện quy định mới về bỏ ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu. Còn nếu muốn vẫn được ân hạn thuế 275 ngày, doanh nghiệp phải có bảo lãnh của ngân hàng, một điều kiện rất khó khăn với các doanh nghiệp hiện nay.

Theo tính toán của Vitas, nếu bỏ chính sách ân hạn thuế nêu trên, thì số tiền thuế mà các doanh nghiệp dệt may phải nộp trước rồi chờ được hoàn thuế sau đối với lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu lên tới 700-800 triệu USD/năm. Bà Đặng Phương Dung, Phó tổng thư ký Vitas cho rằng, lo được khoản tiền lớn này là chuyện vô cùng nan giải với ngành dệt may.

Ước tính, việc bỏ ân hạn thuế nhập khẩu sẽ đẩy giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng 8% đối với trường hợp bảo lãnh ngân hàng và đến 16% với trường hợp phải vay tiền nộp thuế. Ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết, quy định mới không chỉ ép doanh nghiệp phải “chạy” vay tiền tạm nộp thuế, mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhu cầu hàng dệt may toàn cầu đang xuống thấp như hiện nay.

Tại một hội nghị mới đây do Bộ Công thương tổ chức, ông Nguyễn Đức Thăng, đại diện Công ty cổ phần May Đáp Cầu (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cho rằng, nếu bỏ ân hạn thuế 257 ngày đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán sản phẩm) có đơn hàng kéo dài 6-7 tháng sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đang thiếu vốn, nếu không còn được ân hạn thuế, thì doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng để nộp thuế, khiến chi phí sản xuất tăng lên.

 

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trước những lập luận của doanh nghiệp, ngành hải quan cũng có những lý lẽ rất riêng để bảo vệ chủ trương cần phải siết chặt thời hạn nộp thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu. Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp và chính sách ân hạn thuế hiện nay, nên các doanh nghiệp đã chây ỳ, không chịu nộp thuế. Thống kê của hải quan cho thấy, số nợ thuế tạm thu quá hạn lũy kế kể từ khi thực hiện Luật thuế Xuất nhập khẩu đến ngày 31/8/2012 đã lên tới gần 1.500 tỷ đồng, trong đó nợ thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu là 587,2 tỷ đồng. Việc bỏ quy định ân hạn thuế sẽ góp phần chống gian lận nợ thuế, giảm chi phí quản lý thuế, thu nợ thuế.

“Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý thuế, hướng đến công bằng hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây cũng là quy định cần thiết trong bối cảnh ý thức của một số doanh nghiệp về thực hiện nghĩa vụ thuế chưa cao”, ông Cường nhấn mạnh.

Chính sách ân hạn thuế những năm qua đã giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn, đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu, phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, cũng xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lợi dụng chính sách miễn thuế, ân hạn thuế để nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa, sau đó tự ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, không thanh toán nợ khiến hải quan bị thất thu thuế lớn.

Về điều này, Vitas cho rằng, nếu vì tình trạng nêu trên mà siết chặt thời hạn nộp thuế với nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu là không công bằng. Hiện tượng doanh nghiệp không nộp thuế chỉ là số ít, trong khi hầu hết doanh nghiệp dệt may trong nước đều làm ăn nghiêm túc, chấp hành các quy định của Nhà nước về nghĩa vụ nộp thuế.

 

Đoàn Huế (Theo Đầu tư)

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo