Thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng vì thủ tục

Cùng một mặt hàng, cùng một chi cục Hải quan, cùng một vấn đề có thể được xử lý khác nhau để tạo ra thuế suất khác nhau.

Bà Nguyễn Thu Sương-Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty thủy sản Gió Mới kể: “Năm ngoái, doanh nghiệp chúng tôi gặp trục trặc trong vấn đề kháng sinh nên hàng bị trả. Khi làm thủ tục nhập về, hải quan bắt phải nộp thuế ngay, trong khi về nguyên tắc là không phải nộp thuế. Chúng tôi nói thế nào, hải quan vẫn bắt đóng thuế, sau đó mới làm thủ tục để hoàn lại thuế và đó là điều rất khó khăn. Những lô hàng trị giá rất lớn, lên đến cả trăm nghìn USD nên tiền thuế cũng lên tới gần 200 triệu đồng/lô hàng. Hàng bị trả, doanh nghiệp đã thiệt hại rất lớn rồi mà còn phải chạy tiền để nộp thuế đó nữa”.

 

Bà Sương cũng cho biết, nếu doanh nghiệp không có tiền và để hàng nằm ngoài cảng thìchi phí mỗi ngày đối với container 40 feet là 100 USD.

 

Bà Nguyễn Thị Phương Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May xuất khẩu Long An, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Long An, cho rằng đang tồn tại rất nhiều bất hợp lý trong thủ tục hành chính.

 

Riêng thủ tục hải quan, bà Quang cho biết, mặc dù tỷ lệ hao hụt đã được doanh nghiệp của bà và đối tác nước ngoài thỏa thuận, nhưng có những trường hợp cơ quan hải quan lại lấy định mức của HQ để quyết định.

 

“Đó là điều không phù hợp, và đề nghị phải tôn trọng thỏa thuận của đơn vị gia công với đối tác”-bà Quang nói.

 

Một trường hợp khác mà doanh nghiệp bà thường bị hành, đó là những lô hàng đã nhập vào container, hải quan lại yêu cầu mở ra để lấy mẫu và phải có chữ ký của hải quan cửa khẩu.

 

“Tại sao hàng đã cho vào trong container lại phải mở ra để lấy mẫu?”- bà Quang bức xúc, đề nghị bỏ quy định này, thay vào đó là lấy mẫu khi hàng đã về đến kho của doanh nghiệp.

 

Bà Đặng Thị Phương Dung-Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói: “Cùng một vấn đề, cùng một mặt hàng nhưng cán bộ hải quan cùng một Chi cục vận dụng khác nhau từ đó tạo ra thuế suất khác nhau”.

 

Theo bà Dung, ngoài những vấn đề nêu trên, hàng loạt các vấn đề thủ tục hành chính khác trong lĩnh vực hải quan, thuế đang làm cho các doanh nghiệp điêu đứng.

 

Chẳng hạn: Theo quy định, vận đơn giao cho tên tàu của chặng đầu, nhưng hải quan lại yêu cầu doanh nghiệp phải liệt kê tên hãng tàu của những chặng tiếp theo. Hoặc, hiện tại có hàng được sản xuất ở nước ngoài và được khách hàng chỉ định đưa về kho ngoại quan tại Việt Nam để kiểm tra sau đó xuất đi, nhưng cũng phải làm hàng loạt thủ tục tạm nhập tái xuất…

 

Bà Dung cũng bày tỏ không hiểu tại sao lại quy định kho ngoại quan chỉ được phép ký hợp đồng cho thuê trực tiếp đối với chủ hàng mà không được phép ký với đại diện của chủ hàng?.

 

“Thủ tục hành chính càng ngày càng lắt léo hơn, phức tạp hơn và gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp”-TS Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nói tại một diễn đàn về thủ tục hành chính diễn ra gần đây tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Ông Dũng cho biết có những quy định của Việt Nam hiện nay “khó hơn gấp hàng chục lần” so với các nước. Ông Dũng cũng cho biết, đầu năm nay Vasep gửi đến Bộ NN&PTNT cũng như các bộ ngành khác 10 điểm kiến nghị, nhưng cho đến nay mới chỉ giải quyết được “một vài cái phẩy” trong những kiến nghị đó.

 

 

“Tôi có đề nghị với các cơ quan Nhà nước là: Xin các anh -xin hẳn hoi, mặc dù tôi ghét từ xin lắm, hiểu rằng bộ máy Nhà nước sống được là nhờ lực lượng lao động mà do lực lượng chủ công là các doanh nghiệp tạo ra. Cho nên, nếu như các quy định về thủ tục mà nó phiền hà, trục trặc, rắc rối, khó khăn như thế này thì không biết là tạo điều kiện như thế nào. Thực tế là càng quy định thì cảm thấy mắc mưu càng nhiều, càng cải tiến thì điều kiện kinh doanh càng rắc rối”.

 

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó chủ tịch Vasep, Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ

 

 

 

Theo TPO

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo