Hỗ trợ doanh nghiệp

Các nước sẽ "theo chân" EU quy định ngặt nghèo về bền vững, doanh nghiệp Việt phải làm gì?

DNVN - Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... cũng sẽ "theo chân" EU trong việc đưa ra những quy định liên quan đến chuyển đổi xanh, giảm thải carbon, hướng đến phát triển bền vững. Việc doanh nghiệp Việt chủ động tìm các phương án, công cụ đáp ứng quy định là cần thiết, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trong chinh phục thị trường.

Thuế giá trị gia tăng đang hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó / Thúc đẩy xúc tiến thương mại vùng Tây Nguyên

Quy định ngặt nghèo, doanh nghiệp gặp khó

Mới đây, Liên minh châu Âu đã đưa ra quy định chống phá rừng (EUDR). Theo đó, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường EU.

Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên ngày 26/4 diễn ra ở Đắk Lắk, ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - doanh nghiệp (DN) đầu tiên của Việt Nam vừa được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR - cho biết, EUDR là quy định rất ngặt nghèo đối với những DN xuất khẩu vào châu Âu.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường châu Âu, chiếm 60% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu. Hiện nay, châu Âu đưa ra những yêu cầu rất khắt khe về phát triển bền vững, đặc biệt là hai tiêu chí: chống phá rừng và chống phát thải carbon.

Nếu một DN ở châu Âu vi phạm nhập khẩu từ 1 đơn vị không đáp ứng được điều kiện này thì mức phạt rất cao, lên đến 4% trên tổng doanh thu của công ty trong 1 năm. Do đó các DN nước ngoài rất quan tâm đến EUDR.


Ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak).

Với quy định về chống phát thải carbon, sản phẩm được yêu cầu không còn phát thải carbon. Sản phẩm cà phê và tất cả các sản phẩm khác nông sản khác của Việt Nam cũng phải đáp ứng tiêu chí này.

"Đây là những rào cản rất lớn với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Những rào cản này rất cần được tháo gỡ và hỗ trợ. Đề nghị các cơ quan hữu quan có chính sách, chỉ đạo để DN có thể được tiếp cận, làm việc với các lãnh đạo các địa phương có vùng trồng để đáp ứng được những tiêu chí trên", ông Sơn đề xuất.

Ngoài ra, ông Sơn cho rằng, xuất khẩu cà phê hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường châu Âu. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương tập trung xúc tiến thương mại (XTTM) nhiều hơn vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Cần làm trọng tâm để cà phê Việt Nam bớt phụ thuộc lớn vào thị trường châu Âu vì không phải DN nào xuất khẩu cà phê cũng đều đáp ứng được các tiêu chí phát thải carbon và EUDR của châu Âu.

Phải có cách xúc tiến thương mại khác

Liên quan đến đề xuất này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) cho biết, hàng năm trong khuôn khổ chương trình XTTM quốc gia, Bộ Công Thương cũng tổ chức rất nhiều đoàn tham gia hội chợ, đặt biệt là hội chợ Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Thượng Hải ở Trung Quốc. Tại những hội chợ này Việt Nam đều có gian hàng quốc gia. Trong đó, những công ty cà phê lớn của Việt Nam đều tham dự.

Trung Quốc là thị trường rất lớn và đến nay họ có xu hướng tiêu thụ cà phê, đặc biệt là với giới trẻ.

"Song, chúng ta phải có cách XTTM rất khác, sẽ phải liên kết hoặc có đối tác “ruột” ở Trung Quốc. Họ đứng ra cùng chung tay với mình để cùng mình làm marketing, phát triển thị trường.


Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương).

DN cần tìm đối tác của mình. Nếu chưa có đối tác, Cục XTTM sẵn sàng hỗ trợ qua hệ thống thương vụ, văn phòng XTTM của Việt Nam tại Trung Quốc cũng có thể hỗ trợ, tìm kiếm và kết nối đối tác tại Trung Quốc", ông Phú nói.

Chúc mừng Simexco DakLak đã có chứng chỉ chứng nhận đầu tiên về EUDR, ông Phú cho rằng, đây thực sự là một dấu ấn rất quan trọng trong việc phát triển thị trường, đặc biệt là tuân thủ những tiêu chuẩn mới của EU.

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Cần đi trước đón dầu

Về vấn đề này, bà Trần Như Trang –đại diện quốc gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO)chia sẻ, EUDR là một quy định mới của Liên minh châu Âu và rất chặt.

Theo phân tích của giới chuyên gia, EUDR có thể ảnh hưởng đến 12 sản phẩm nông nghiệp. Với Việt Nam, SIPPO cho rằng, nó có thể ảnh hưởng nhiều hơn bởi vì có những sản phẩm chưa được liệt kê như thuỷ sản. Chẳng hạn như tôm được nuôi ở rừng ngập mặn nên cũng liên quan đến rừng, theo đó cũng phải tuân thủ quy định EUDR.

Do đó, những quy định hiện nay của EU đưa ra có thể DN chưa hình dung ra yêu cầu cụ thể của họ là gì và thực sự chứng minh được yêu cầu này mới là khó khăn và gian nan.


Bà Trần Như Trang - đại diện quốc gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO).

DN phải tìm 1 phương thức mới để thị trường chấp nhận sản phẩm của mình. Các quy định bền vững của EU đưa ra rất chặt chẽ và thực ra hiện nay rất nhiều khách mua hàng cũng chưa biết phải làm như thế nào.

Xu hướng ở châu Âu cho thấy, điều đầu tiên khiến khách mua hàng tìm đến là các loại chứng chỉ, chứng nhận giúp cho DN và các nhà cung cấp có thể sẵn sàng luôn để đáp ứng những quy định thay vì DN phải tự đầu tư để làm hệ thống chứng nhận, hệ thống thông tin cũng như chứng minh khả năng tuân thủ của mình.

"Nếu như các DN và các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể chủ động nắm bắt và chuẩn bị sẵn sàng thì đây chính là điều mình có thể bán luôn được và được khách mua hàng chấp nhận. DN cần chủ động nắm bắt và chủ động chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu thì khi đó chúng ta sẽ có ngay khách mua hàng", bà Trang nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất của ông Sơn về việc hướng đến các thị trường ngoài châu Âu, bà Trang cho rằng, không phải mỗi châu Âu, ngay cả các thị trường khác, họ cũng yêu cầu về bền vững như châu Âu.

Do đó, việc DN nắm bắt được những yêu cầu này và chủ động tìm các phương án, công cụ để được khách hàng chấp nhận là cần thiết và đây lại là lợi thế cạnh tranh của DN.

Dẫn chứng về câu chuyện DN đi trước đón đầu, bà Trang đề cập đến Vinamilk. DN này đã nhận được hai chứng chỉ, trong đó 1 chứng chỉ về sản phẩm sữa bền vững, và họ cũng bắt đầu có sản phẩm sữa Net Zero không phát thải. Trên thực tế, Vinamilk mất 10 năm để làm được câu chuyện này.

"Các yêu cầu về bền vững hiện nay ở châu Âu rất nhiều và rất chặt. Hàng tuần, chúng tôi phải theo dõi thông tin cập nhật từ các thị trường. Các DN cũng cần có hành động tương tự để từ đó có chiến lược chuẩn bị", chuyên gia khuyến nghị.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm