Hỗ trợ doanh nghiệp

VASEP: Doanh nghiệp băn khoăn bởi quy định "trộn lẫn nguyên liệu" trong Nghị định 37

DNVN - Nghị định 37 do Chính phủ vừa ban hành quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Theo VASEP, quy định này đang gây hoang mang cho doanh nghiệp.

Tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn / Khơi thông động lực tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Ngày 4/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37, có hiệu lực từ ngày 19/5, bổ sung một số điều của Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Ngày 5/4, Chính phủ ban hành Nghị định 38, có hiệu lực từ ngày 20/5, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Hai nghị định này có nhiều điểm mới, trong đó có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến việc thực thi pháp luật về thủy sản của các DN XK thủy sản.

Tại điều 70b, mục 6, điểm c Nghị định 37 qui định, không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, Nghị định 38 chỉ đề cập đến việc xử phạt hành vi trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước nhưng không đề cập đến cụm từ “cùng một lô hàng xuất khẩu”.

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của VASEP, quy định này đang gây hoang mang cho doanh nghiệp hải sản vì không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” trong cùng một lô hàng được hiểu như thế nào mới đúng?


Quy định "không trộn lẫn nguyên liệu" trong Nghị định 37 khiến doanh nghiệp hải sản lo ngại.

Hai nghị định trên và cả ở Luật Thuỷ sản hiện hành cũng không có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu”. Thực tế, đối với DN hải sản việc sản xuất ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và nhập khẩu là hoàn toàn bình thường, miễn sao doanh nghiệp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, có đầy đủ các giấy tờ theo quy định...

Cũng theo bà Hằng, đặc thù nhiều doanh nghiệp hải sản làm hàng phối trộn hoặc những sản phẩm giá trị gia tăng điển hình như hải sản xiên que bao gồm nguyên liệu từ cá ngừ, cá dũa... có loài xuất xứ từ khai thác trong nước, có loài từ nguồn nhập khẩu, mặc dù truy xuất được từng loại nguyên liệu nhưng quy định “không trộn lẫn nguyên liệu” trong Nghị định 37 khiến doanh nghiệp lo ngại.

Một số doanh nghiệp băn khoăn với khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu”, vì hầu hết doanh nghiệp đều xuất thủy sản “thành phẩm” chứ không phải thủy sản “nguyên liệu”.

Hơn nữa, khuyến nghị của EU là không được tráo đổi chứng từ nguyên liệu, chứ không phải là cấm trộn lẫn nguyên liệu. Do vậy, doanh nghiệp đề nghị cần làm rõ khái niệm trộn lẫn nguyên liệu trong điều khoản này, nếu không thì doanh nghiệp không tránh được vi phạm.

Liên quan đến trách nhiệm kê khai, khai báo của doanh nghiệp được đề cập trong Nghị định 37, các doanh nghiệp kiến nghị việc thực thi thủ tục kê khai cần được đơn giản hóa bằng một phần mềm để giảm bớt thời gian và công sức cho doanh nghiệp

"Trước những băn khoăn, lo lắng trên, các doanh nghiệp ngành hàng hải sản đang trông chờ các cơ quan thẩm quyền liên quan sớm hỗ trợ giúp doanh nghiệp hiểu đúng và có thể tuân thủ những quy định tại Nghị định 37", bà Hằng cho hay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phản ánh, việc tuân thủ quy định thông báo, khai báo hồ sơ trước khi cập cảng 72 giờ đối với tàu nước ngoài và 48 giờ đối với tàu container theo quy định tại Nghị định 37 là không khả thi. Lý do là cả 2 mốc thời gian này quá dài, không phù hợp cho những chặng vận chuyển ngắn của tàu và container.

Theo các doanh nghiệp, sẽ phù hợp hơn nếu quy định thông báo trước thời điểm thông quan thay vì thông báo trước khi cập cảng.

Doanh nghiệp còn đề nghị làm rõ là DN sẽ phải báo cáo/khai báo với “cơ quan thẩm quyền” nào, đồng thời đề nghị thống nhất form mẫu khai báo.

Yêu cầu nộp giấy chứng nhận thuyền trưởng cũng là một thủ tục phức tạp và khó khăn đối với doanh nghiệp nhập khẩu vì nội dung giấy chứng nhận của thuyền trưởng phải thể hiện ở nhiều thông tin về tàu khai thác đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm