Hỗ trợ doanh nghiệp

Cán bộ nông nghiệp sớm hình thành tư duy "tiếp thị chính sách"

DNVN - Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu ngành nông nghiệp cần vào cuộc quyết liệt để xây dựng một chương trình tiêu thụ nông sản bài bản. Mỗi cán bộ phải sớm hình thành tư duy "tiếp thị chính sách", đặt lợi ích của người dân vào trung tâm.

Mẹo bảo quản trái cây tươi lâu hơn cho từng loại, ai cũng nên biết / Hướng dẫn cách làm sữa chua trái cây tươi cực dễ tại nhà

Dự báo tiêu thụ trái cây tươi sẽ vô cùng khó khăn

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến "Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam Bộ", giữa bối cảnh xuất khẩu rau quả giảm trong khi nhiều loại trái cây đang vào vụ chính thu hoạch.

Hội nghị trực tuyến tới hơn 40 tỉnh, thành phố này là dịp để ngành nông nghiệp đưa ra những dự tính, dự báo cho việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản trong quý II/2022, trước khi kích hoạt hành động như tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - một hình thức giao thương giữa người bán và người mua được vận hành xuyên suốt những tháng cuối năm 2021.

Dự báo tiêu thụ trái cây tươi sẽ vô cùng khó khăn thời gian tới.

Theo ước tính của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, tổng sản lượng cây ăn quả chính tại Nam Bộ trong quý II/2022 đạt gần 1,5 triệu tấn, cao hơn quý I khoảng 137.000 tấn do một số loại quả vào mùa như: thanh long, chuối, nhãn, chôm chôm, sầu riêng…

Lượng trái cây năm nay không có yếu tố đột biến về sản lượng hay chất lượng. Tuy nhiên, về tiêu thụ dự báo sẽ gặp khó khăn do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "zero COVID", các biện pháp phòng dịch của nước này làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.

Trong khi đó, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, lúc đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 2 tháng qua, các cửa khẩu chính tại Quảng Ninh, Lào Cai đóng cửa do Trung Quốc phát hiện COVID-19 đã gây áp lực lớn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Chưa kể, những đợt phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến về công tác kiểm soát COVID-19 cho thấy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn chủ quan, chưa tuân thủ quy định về phòng dịch khi đưa hàng sang nước bạn.

Với thị trường Liên minh châu Âu (EU), dù rau quả Việt Nam đang được hưởng lợi do ưu đãi thuế quan nên tăng trưởng tốt trong năm qua nhưng gần đây phát sinh vấn đề EU tăng tần suất kiểm tra đối với thanh long và rau gia vị từ 10% lên 20% khiến lượng xuất khẩu sụt giảm.

Triển khai ngay các kế hoạch phối hợp địa phương

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, đây là giai đoạn mà cả ngành nông nghiệp lẫn các bộ, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để xây dựng một chương trình tiêu thụ nông sản bài bản. Trước mắt, cần dành nguồn lực tối đa cho những trái cây sắp vào kỳ thu hoạch như mít, xoài, sầu riêng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị trực tuyến "Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam Bộ".

Bên cạnh các biện pháp tăng cường thông tin, truyền thông, người đứng đầu Bộ NN-PTNT yêu cầu mỗi cán bộ ngành nông nghiệp sớm hình thành tư duy "tiếp thị chính sách". Mỗi chính sách khi xây dựng phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm, thay vì để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đi hỏi, tìm hiểu về các văn bản quy phạm pháp luật. Người làm chính sách phải đưa những quy định mới đến với càng nhiều người càng tốt, thay vì chỉ "gửi công văn đi".

Đưa ra yêu cầu cụ thể về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT làm ngay 4 việc.

Đó là, giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp các đơn vị liên quan, doanh nghiệp để sớm tổ chức hội nghị xúc tiến trái cây trước mùa vụ mới.

Giao Văn phòng SPS Việt Nam triển khai ngay các kế hoạch phối hợp địa phương, đặc biệt là những vùng nguyên liệu lớn để hướng dẫn những nội dung mới trong quy định xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm, đặc biệt là Lệnh 248, Lệnh 249 tại Trung Quốc.

Những đơn vị quản lý, cấp mới mã số vùng trồng, vùng nuôi, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu cần tăng cường quản lý, kiểm tra, rà soát, đồng thời phát huy tối đa vai trò và sự chủ động của địa phương.

Đồng thời, lên sẵn kịch bản cho một số nông sản sắp vào mùa vụ như chuối, mít, lúa gạo xuất khẩu để có kế hoạch tiêu thụ phù hợp.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Văn phòng SPS Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5/2022 là: Phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn, xây dựng chương trình truyền thông về các cam kết SPS trong hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Lệnh 248 và 249.

Văn phòng chọn 7 tỉnh để triển khai tập huấn. Đây đều là những khu vực trọng điểm về nông nghiệp, gồm: Bắc Giang, Sơn La, Gia Lai, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau.

Song song với phối hợp địa phương, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục làm việc với Văn phòng Chính phủ về tiến độ trình Thủ tướng Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS của WTO và cam kết SPS trong các FTAs”.

Cùng với đó, Văn phòng triển khai tiếp Thông báo số 864/TB-BNN-VP về Lệnh 248. Trên cơ sở này, SPS Việt Nam sẽ phối hợp các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ NN-PTNT, giúp doanh nghiệp thông quan tại các cửa khẩu.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm