Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần "cơ chế mở" tạo nguồn rừng trồng cây gỗ lớn

DNVN - Khuyến nghị tại Hội thảo “Liên kết chuỗi phát triển thương hiệu ngành gỗ Việt” chiều 25/2/2022, TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích thuộc Tổ chức Forest Trends cho rằng Chính phủ cần có cơ chế cởi mở cho phép các công ty lâm nghiệp góp đất với công ty tư nhân tạo nguồn rừng trồng gỗ lớn.

Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến trồng rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ / Yên Bái: Trồng rừng cây bóc vỏ bán, lão nông thu tiền tỷ giấu đầy gác bếp

Xuất khẩu ngành gỗ tăng trưởng 2 con số nhưng còn “nút thắt” nguyên liệu

Chia sẻ niềm vui ngay trong tháng đầu năm 2022, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: Trong lịch sử xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ, đây là lần thứ ba kim ngạch vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Cụ thể, XK gỗ đã đạt kim ngạch XK 1,512 tỷ USD vào tháng 3/2021 và đạt 1,55 tỷ USD vào tháng 6/2021.

Với kim ngạch XK trên 1,5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đã nằm trong 7 nhóm hàng XK của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng 1/2022 và đứng trong tốp 3 nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số.

Trong đó, XK gỗ đứng thứ hai về tăng trưởng sau nhóm hàng dệt may. Trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT), XK gỗ luôn giữ ngôi vương và trong nhiều năm nay, luôn đạt mức trên 14 tỷ USD, trong đó, riêng năm 2021 XK gỗ đã mang về tổng giá trị kim ngạch trên 14,8 tỷ USD – là mức kỷ lục đến năm 2021.

Hội thảo “Liên kết chuỗi phát triển thương hiệu ngành gỗ Việt” chiều 25/2/2022.

Theo Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), kết quả khảo sát tại 100 thị trường, cho thấy: Dự báo trong năm 2022, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Trong số các thị trường lớn (tiêu thụ đồ nội thất dự báo trên 5 tỷ USD/năm), các thị trường Châu Âu và Châu Á dự kiến tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ nội, ngoại thất.

Cùng với đó, thị trường chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, đưa thêm nguồn cung ra thị trường, bởi đồ gỗ và sản phẩm gỗ XK của Việt Nam đang được thế giới ghi nhận và ưa chuộng.

Tuy nhiên, ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nguồn cung nguyên liệu đang là "nút thắt" lớn cần tháo gỡ để XK gỗ đạt 16,5 tỷ trong năm 2022, hướng tới 20 tỷ vào năm 2025.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Lâm sản Bình Định (FPA) phản ánh: Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ XK. Trong đó, do thiếu nguồn cung nguyên liệu trong nước nên các DN khá bị động, phải phụ thuộc đến 80% vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu (NK).

Bởi vậy, DN không có lựa chọn nào khác, phải chấp nhận rủi ro liên quan đến chứng nhận chất lượng và xuất xứ. Đó là chưa kể đến hàng loạt vấn đề khác như: Các nước XK gỗ nguyên liệu gần đây phải chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định về bảo vệ môi trường; nguồn cung giảm; giá gỗ nguyên liệu liên tục tăng trong vì khan hiếm nguyên liệu và cước vận tải, logistics tăng…

TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích thuộc Tổ chức Forest Trends chia sẻ: Mỗi năm Việt Nam NK khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ (gọi là gỗ nguyên liệu) để chế biến ra các sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và XK.

Các loài gỗ ôn đới chiếm 60-70% trong tổng lượng NK, với Mỹ và các quốc gia Châu Âu, Canada, Úc là các nguồn cung lớn nhất. Phần NK còn lại (30-40%) lại là gỗ nhiệt đới, chủ yếu có nguồn gốc từ các nước Châu Phi, Lào, Campuchia, Papua New Guinea và một số quốc gia khác.

Với chi phí vận chuyển ở mức vẫn rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đây là tín hiệu cho thấy giá gỗ nguyên liệu NK sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các DN XK có sử dụng gỗ nguyên liệu NK. Do đó, tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, có chất lượng cao, sử dụng cho chế biến đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành gỗ.

Nguồn gỗ rừng trồng trong nước đã được kỳ vọng là một trong những nguồn cung quan trọng để thay thế nguồn cung nhập khẩu. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế để tạo ra nguồn cung gỗ rừng trong trong nước có chất lượng. Phần lớn gỗ rừng trồng của Việt Nam là gỗ nhỏ, với 60-70% được đưa vào làm dăm gỗ và viên nén. Lượng gỗ lớn, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC vẫn rất hạn chế.

Doanh nghiệp cần chuyển đổi nguyên liệu từ nhập khẩu sang nguyên liệu trong nước

TS Tô Xuân Phúc cho rằng, khó khăn lớn nhất mà khối tư nhân đang gặp phải là không tiếp cận được với nguồn quỹ đất để trồng rừng, bởi nguồn quỹ đất này đang nằm nằm dưới sự quản lý của các hộ và các công ty lâm nghiệp.

Hình thành và mở rộng liên kết giữa khối tư nhân và hộ gia đình, giữa khối tư nhân và các công ty lâm nghiệp là hướng đi đột phá trong việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là gỗ lớn có chứng chỉ tại Việt Nam trong tương lai.

Cần mở rộng liên kết giữa giữa khối tư nhân và các công ty lâm nghiệp trong trồng rừng.
Trong liên kết này, khối tư nhân có tiềm năng trong việc phát huy các thế mạnh nêu trên của mình, tham gia cùng với hộ và công ty lâm nghiệp để phát rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ.

“Để tạo được tính đột phá trong việc hình thành và phát triển liên kết đòi hỏi Chính phủ cần có các cơ chế chính sách cởi mở hơn, cho phép các công ty lâm nghiệp được góp đất hợp tác với công ty tư nhân trong việc tạo nguồn rừng trồng gỗ lớn. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế chính sách chặt chẽ trong việc xác định nguồn quỹ đất tham gia liên kết, định giá về giá trị của đất cũng như cây trồng trên đất nhằm giảm thiểu các rủi ro trong việc các bên góp vốn vào liên kết. Các cơ chế chính sách nhằm hình thành liên kết cũng cần được minh bạch, nhằm xóa bỏ các e ngại của các bên tham gia”, ông Phúc khuyến nghị.

Đề xuất giải pháp cho DN ngành gỗ, Chủ tịch Viforest nhấn mạnh các DN cần chuyển đổi nguyên liệu từ NK sang nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước. Chuyển đổi này sẽ giúp DN chủ động nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu được tác động tiêu cực do dịch vụ logistic mang lại.

"Chuyển đổi từ gỗ NK sang gỗ rừng trồng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, bởi nguồn gỗ rừng trồng trong nước là gỗ lớn hiện vẫn còn hạn chế. Các cơ chế chính sách về đất đai cần có những thay đổi đột phát nhằm giải phóng quỹ đất cho trồng rừng", ông Lập khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm