Hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch VINASME: Giảm thuế xuống 15-17% chưa đủ hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

DNVN - Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% cho doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), mức giảm này chỉ mang tính khuyến khích, chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhỏ phát triển...

Seed Coffee được vinh danh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2024 / Giảm phát thải khí nhà kính: Doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng?

Theo dự kiến, Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được cho ý kiến vào ngày 22/11 tới tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Với dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống mức 15% -17% thay vì mức 20% như hiện hành.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng sẽ chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%. Những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng sẽ chịu thuế suất 17%.

Thuế suất này không áp dụng với các doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách trên.


Theo Chủ tịch VINASME, mức thuế suất 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% cho doanh nghiệp nhỏ chưa thực sự hấp dẫn.

Góp ý về dự thảo, TS Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng đề xuất áp thuế suất 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% cho doanh nghiệp nhỏ chưa thực sự hấp dẫn.

Từ năm 2013, các doanh nghiệp nhỏ đã được áp dụng thuế suất ưu đãi 20%, thấp hơn so với mức thuế suất phổ thông 22% lúc đó. Tuy nhiên, từ năm 2016, khi mức thuế phổ thông giảm xuống 20%, doanh nghiệp nhỏ lại phải chịu thuế ngang bằng các tập đoàn lớn. Mặc dù thuế suất của Việt Nam không cao so với khu vực, nhưng các ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Chủ tịch VINASME cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018 quy định áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp hơn cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, với mức thuế phổ thông 20% từ năm 2016, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hầu như không còn ưu đãi rõ rệt.

Do đó, ông Thân đề xuất Ban Soạn thảo cần có những đánh giá cụ thể về tác động của các mức thuế này, bao gồm số lượng doanh nghiệp hưởng ưu đãi, mức độ giảm thiểu chi ngân sách, khả năng thành lập doanh nghiệp mới và tạo việc làm, nhằm giúp Quốc hội cân nhắc và lựa chọn mức thuế phù hợp, khả thi.

Cũng theo Chủ tịch VINASME, mức thuế suất 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% cho doanh nghiệp nhỏ, theo đề xuất của Bộ Tài chính, chỉ mang tính khuyến khích, chưa thật sự hỗ trợ sự phát triển của khu vực này. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam chưa tạo đủ sức hút. Chẳng hạn, Trung Quốc có thuế TNDN phổ thông 25%, trong khi doanh nghiệp nhỏ chỉ chịu 20%, tức giảm 5 điểm phần trăm. Trong khi đó, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ chỉ được giảm 3 điểm phần trăm so với mức thuế phổ thông 20%.

"Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mong muốn có những chính sách ưu đãi thiết thực hơn, vì họ là động lực tạo việc làm và thu nhập, đặc biệt cho lao động phi chính thức và người lao động không có chứng chỉ. Chính sách thuế không nên chỉ khuyến khích mà cần hỗ trợ thực chất hơn, bao gồm các mức giảm sâu hơn," ông Thân nhấn mạnh.

Mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đặt mục tiêu khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng sau gần 7 năm, kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng, nhiều cá nhân và hộ gia đình vẫn chọn kinh doanh hộ vì mức thuế khoán thấp hơn. Cụ thể, các mức thuế khoán hiện tại là 1,5% doanh thu cho phân phối, cung cấp hàng hóa; 7% cho dịch vụ và xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu; 4,5% cho sản xuất, vận tải, dịch vụ có bao thầu nguyên vật liệu và 3% cho dịch vụ khác.

Theo ông Thân, nếu có mức thuế ưu đãi thực sự hấp dẫn, nhiều hộ kinh doanh và cá nhân sẽ chuyển sang thành lập doanh nghiệp để hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn thuế khoán.

Doanh thu cao không đồng nghĩa với lợi nhuận lớn, bởi để thu hút khách hàng, doanh nghiệp thường phải áp dụng nhiều biện pháp như giảm giá, khuyến mãi, hậu mãi, quảng cáo. Do đó, ông Thân cho rằng, thay vì đánh thuế dựa trên doanh thu, nên dựa vào thu nhập chịu thuế. Nhiều quốc gia cũng áp dụng mức thuế ưu đãi dựa trên thu nhập chịu thuế, hoặc áp thuế lũy tiến, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm