Đầu tư

Đà Nẵng: Vốn FDI thực hiện năm 2020 tăng 42,4%

DNVN - Vốn FDI thực hiện năm 2020 tăng 42,4% so với năm 2019 là con số được Cục Thống kê Đà Nẵng công bố tại cuộc họp báo ngày 29/12 về tình hình kinh tế - xã hội TP năm 2020. Đây được xem là thành quả to lớn của chính quyền TP Đà Nẵng trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, kiên định mục tiêu chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Lễ hội “Chào năm mới 2021”: Đà Nẵng đã sẵn sàng chào đón du khách trở lại bình an và ấn tượng! / Sân bay quốc tế Đà Nẵng đảm bảo phục vụ khách chu đáo, an toàn phòng chống dịch trong dịp Tết

Tại cuộc họp báo ngày 29/12/2020 về tình hình kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng năm 2020, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay, trong lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn TP năm 2020 ước giảm 11,4% so với năm 2019. Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn triển khai từ những năm trước đang trong giai đoạn hoàn thiện nên giá trị đầu tư thực hiện có xu hướng giảm dần.

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng tại cuộc họp báo ngày 29/12 công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng năm 2020

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng tại cuộc họp báo ngày 29/12 công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng năm 2020.

Tuy nhiên điểm sáng của hoạt động đầu tư là việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó vốn FDI thực hiện đạt kết quả ấn tượng, tăng 42,4% so với năm 2019. Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư công cũng có những bước chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vốn thực hiện trong năm 2020 đã tăng đáng kể so với năm 2019.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2020 ước đạt 34,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 9.306 tỷ đồng, tăng 11%; vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 18.605 tỷ đồng, giảm 28,1%; vốn thuộc khu vực kinh tế có vốn FDI đạt 6.888 tỷ đồng tăng 37,7%. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP vẫn theo xu hướng thu hẹp, từ 35,7% năm 2019 xuống còn 34,8% năm 2020, thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020.

Đáng chú ý, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng công bố, thu hút vốn FDI vào TP tính đến ngày 15/12/2020 bao gồm vốn đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 220 triệu USD, giảm 49,8% so với năm 2019. Trong đó có 83 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 128,9 triệu USD, giảm 50 dự án.

Tuy nhiên vốn FDI thực hiện năm 2020 ước tính đạt 284,3 triệu USD, tăng 42,4% so với năm 2019 (tính theo USD), tập trung chủ yếu vào các dự án lớn được cấp phép đầu tư trong năm 2019 như: Dự án sản xuất linh kiện hàng không; dự án Khu du lịch Xuân Thiều; dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A - Tower.

“Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đây được xem là thành quả to lớn của chính quyền TP Đà Nẵng trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, kiên định mục tiêu ch trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng!” – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nói.

Về thu hút đầu tư trong nước, ông cho hay tính từ đầu năm 2020 đến nay, TP Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 07 dự án đầu tư trong nước ngoài Khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư 16.663 tỷ đồng (gấp 1,9 lần về vốn so với năm 2019), cấp 15 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án trong nước trong các KCN, Khu Công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 2.201 tỷ đồng (gấp 2,62 lần về vốn so với năm 2019).

Theo ông Trần Văn Vũ, Đà Nẵng là địa phương chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020. Bước sang năm 2021, TP này sẽ bắt đầu ở một điểm xuất phát thấp so với nhiều tỉnh, thành khác, kịch bản tăng trưởng năm 2021 được xây dựng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế ít chịu tác động của dịch bệnh, đẩy mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật số và đảm bảo phục hồi kinh tế xanh, sạch, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Với cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng hiện nay, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 65% trong GRDP, nên có thể nói tăng trưởng của toàn nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào khu vực dịch vụ. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp lại phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên Đà Nẵng có khả năng sẽ là địa phương tiếp tục chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh trong năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới không được khống chế.

Trong các giải pháp cần thực hiện để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ kiến nghị chính quyền TP cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại ngành công nghiệp từ các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Trong đó, lãnh đạo Cục Thống kê Đà Nẵng kiến nghị việc thu hút vốn dầu tư của TP cần tập trung hướng vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; điện tử; công nghiệp ô tô; cơ khí chế tạo máy móc thiết bị; công nghiệp hỗ trợ và một số lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng thiết yếu, có giá trị gia tăng cao (dược phẩm, thực phẩm, đồ uống, thời trang…).

Đồng thời lãnh đạo Cục Thống kê Đà Nẵng kiến nghị chính quyền TP cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao; đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến đầu tư hiệu quả, chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm.

“Thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng trong thời gian tới cần gắn liền với thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và nền kinh tế số; đẩy mạnh chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án!” – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khả quan

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho hay, trong năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công của TP Đà Nẵng được tăng cường và đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên một số dự án vẫn chậm triển khai do ảnh hưởng từ công tác đền bù giải tỏa, nhiều hộ dân chưa chấp nhận mức đền bù của nhà nước nên không chịu bàn giao mặt bằng.

Bên cạnh đó, dự án chia nhiều hợp phần, mỗi hợp phần có nhiều gói thầu nên công tác mời thầu, đấu thầu, điều chỉnh thiết kế, hoàn thiện hồ sơ mất khá nhiều thời gian cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm trễ tiến độ triển khai dự án/công trình. Cộng với các tháng cuối năm, tình hình thời tiết mưa bão liên tiếp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình.

Mặc dù vậy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 ước đạt 5.683 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2019, trong đó vốn thực hiện từ nguồn ngân sách do địa phương quản lý chiếm 93,7%, tăng 20% so với cùng kỳ và đạt hơn 60% kế hoạch năm 2020.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm