Những rào cản vô hình và sự chậm trễ có thể khiến nhà đầu tư rời bỏ Đà Nẵng
Đà Nẵng: Thêm nhiều đoạn, tuyến đường giao thông một chiều, cấm đỗ xe kể từ đầu năm 2021 / Tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Không vì lợi ích của mình mà đẩy cán bộ vào vòng lao lý!”
"Một chút chậm trễ về thời gian cũng có thể gây ra tổn thất đáng kể!"
Ngày 25/12, TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị chuyên đề tổng kết công tác đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 theo Kết luận số 30-KL/TU của Ban chấp hành Đảng bộ TP và kết quả 03 năm (2018 – 2020) triển khai chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Tại đây, ông Lee Sungnyung, Giám đốc KOTRA Đà Nẵng (Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng) đã có những phản ánh rất đang lưu ý về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư của TP Đà Nẵng.
Ông Lee Sungnyung, Giám đốc KOTRA Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị về công tác thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng hôm 25/12.
Tuy nhiên ông Giám đốc KOTRA Đà Nẵng cũng cho biết: “Mặc dù TP Đà Nẵng đã tạo ra nhiều cải cách hành chính nhưng nhiều công ty Hàn Quốc vẫn gặp phải những rào cản vô hình và sự chậm trễ trong quá trình đầu tư. Đây là một trong những thắc mắc phổ biến nhất mà KOTRA Đà Nẵng nhận được từ phía doanh nghiệp Hàn Quốc!”.
Trước đó, tại hội thảo trực tuyến Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Đà Nẵng do Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) và KOTRA Đà Nẵng (Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng) phối hợp tổ chức ngày 3/12, ông Lee Sungnyung từng cho biết “Nhu cầu của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Đà Nẵng đang tăng lên từng ngày”.
Thế nhưng, dựa trên kết quả nghiên cứu về các trường hợp cụ thể nhà đầu tư Hàn Quốc gặp phải những rào cản vô hình và sự chậm trễ trong quá trình đầu tư, tại hội nghị hôm 25/12 vừa qua về công tác thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng, ông Lee Sungnyung nêu rõ, đối với một công ty đầu tư thì ngay cả một chút chậm trễ về thời gian cũng có thể gây ra tổn thất đáng kể.
Ông nhấn mạnh: “Tổn thất đó không chỉ liên quan đến các vấn đề về thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư mà các vấn đề của họ có thể gây hại cho môi trường đầu tư và kinh doanh của TP Đà Nẵng nếu các nhà đầu tư từ bỏ kế hoạch kinh doanh của họ hoặc chuyển hướng đầu tư sang nơi khác”.
Vì vậy, trên quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Giám đốc KOTRA Đà Nẵng Lee Sungnyung mong muốn trong thời gian tới các cơ quan hữu quan TP Đà Nẵng phối hợp với nhau để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của cả nhà đầu tư và hiệu quả công việc của các cơ quan hành chính.
"Lãnh đạo, cán bộ, công chức Đà Nẵng hiện nay đang có tâm lý lo sợ!"
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, ông Phạm Bắc Bình cũng xác nhận, tuy Đà Nẵng đã có nhiều cải cách hành chính nhưng khi đầu tư vào đây vẫn còn nhiều hạn chế. Vướng mắc lớn nhất, dễ thấy nhất là khi đầu tư vào Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, nhà đầu tư cần có hợp đồng cho thuê địa điểm trước khi đăng ký thành lập tổ chức kinh tế. Trong khi đó, việc giải quyết mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Đà Nẵng là một khó khăn lớn.
“Lãnh đạo, cán bộ, công chức Đà Nẵng hiện nay đang có tâm lý lo sợ. Nguyên nhân là do thời gian qua, liên quan đến nhiều sai phạm đã có người bị bắt, bị kỷ luật. Vì vậy cán bộ quá thận trọng trong công tác tham mưu cho TP, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai. Giờ làm việc gì cán bộ cũng phải soi văn bản luật, nghị định, thông tư để hoàn chỉnh hết thì mới dám làm. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ công việc và tâm lý của nhà đầu tư!” – Ông Phạm Bắc Bình nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng nhấn mạnh thêm, doanh nghiệp mất niềm tin khi chính quyền TP giải quyết các sai phạm đất đai trên địa bàn trong những năm qua. Sau nhiều năm thi hành theo Kết luận số 2852/KL-TTCP (ngày 2/11/2012) của Thanh tra Chính phủ đã khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng mắc kẹt, tất cả các dự án có liên quan không thể triển khai xây dựng, hàng ngàn người dân không được chuyển nhượng các lô đất trên vì được cấp sai thời hạn sử dụng đất.
“Không dừng ở đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện Kết luận thanh tra 2852/KL-TTCP cũng đã ảnh hưởng lây lan tới các dự án khác bởi đều trong diện bị rà soát sai phạm. Nhiều doanh nghiệp đã tỏ ý dè chừng trong việc lựa chọn dự án đầu tư tại Đà Nẵng, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khác rơi vào cảnh mắc kẹt, đóng băng mọi chiến lược đầu tư kinh doanh đã vạch ra!” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng Phạm Bắc Bình phản ánh.
Kể cả Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, khi báo cáo tại Hội nghị về công tác thu hút đầu tư ngày 25/12 vừa qua cũng phải thừa nhận công tác cải cách thủ tục hành chính của TP Đà Nẵng chưa thực sự tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, tình trạng cán bộ, công chức của TP còn máy móc, không nhất quán trong việc hướng dẫn các thủ tục đầu tư khiến cho doanh nghiệp/nhà đầu tư phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ nhiều lần còn khá phổ biến, gây phiền hà và kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư còn chồng chéo và chưa thống nhất nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Đồng thời, việc đón và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương về các vụ việc phức tạp, kéo dài từ các nhiệm kỳ trước đã tác động nhiều đến tâm lý của một bộ phận cán bộ, làm giảm sự năng động, sáng tạo và gia tăng thái độ e ngại, dè chừng trong công tác tham mưu!” – Ông Hồ Kỳ Minh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo