ĐBSCL: Nhiều tỉnh đã lên phương án kết nối, tạo việc làm cho người lao động hồi hương
Một số tỉnh miền Tây nới lỏng giãn cách xã hội / Một số tỉnh, thành miền Tây tổ chức buổi lễ khai giảng đặc biệt trong mùa dịch COVID-19
Tỉnh Bạc Liêuhiện tại đang có 22.800 công dân từ các tỉnh thành Đông Nam Bộ trở về quê hương. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.800 doanh nghiệp, trong đó có 30% số doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Trung Vĩ- Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, để tạo cơ hội việc làm cho người hồi hương, các huyện, thị xã sẽ chủ động tổng hợp và nắm danh sách người lao động trở về từ các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ.
“Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nắm số điện thoại của những người dân này để gọi điện thoại tư vấn và từ đó tổng hợp danh sách để giới thiệu cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động trên địa bàn tỉnh”, ông Vĩ nói.
Để chăm lo an sinh cho người dân về từ vùng dịch, hiện tỉnh đang vận động doanh nghiệp để hỗ trợ cho những người dân bảo đảm cơ bản chế độ ăn uống trong thời gian cách ly tập trung. Cụ thể, 80.000 đồng/người tiền ăn uống và thêm 40.000 đồng/người tiền sinh hoạt phí khác. Đối với người cách ly tại nhà sẽ được tỉnh hỗ trợ chi phí xét nghiệm.
Nhiều người dân từ các tỉnh, thành Đông Nam Bộ về quê sẽ được địa phương kết nối việc làm.
Tại Hậu Giang, sau khi giãn cách xã hội, đa số các doanh nghiệp của tỉnh này đều ngừng hoạt động, đối với một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” thì số lượng công nhân được làm việc chỉ có 20%. Chính vì vậy, sau khi được phép hoạt động trở lại, 100% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có nhu cầu tuyển thêm công nhân. Hiện tỉnh Hậu Giang có hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn, đa số là doanh nghiệp nhỏ. Đối với những doanh nghiệp vừa và lớn trong tỉnh, số lượng chỉ có khoảng 300 - 400 doanh nghiệp.
Theo bà Hồ Thu Ánh- Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hiện tỉnh đã phối hợp với các địa phương để rà soát và nắm lại số người còn trong độ tuổi lao động, từ đó nắm được tâm tư nguyện vọng của họ để phân nhóm hỗ trợ. Bà Ánh cho biết, “tỉnh đã yêu cầu các địa phương gửi phiếu và lấy ý kiến cho công dân điền vào, từ đó thống kê, rà soát những trường hợp nào đang trong độ tuổi, còn đi làm và có nhu cầu đi làm. Qua đó, tỉnh sẽ liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Trường hợp họ không nằm trong tuổi lao động không có điều kiện đi làm trong các doanh nghiệp, muốn vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh cũng tạo điều kiện liên kết với các ngân hàng hỗ trợ trong điều kiện cho phép”.
Theo thông tin từ UBND tỉnh An Giang, đến thời điểm này đã có khoảng 59.000 công dân từ các tỉnh thành khác như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... trở về An Giang. Đây là con số rất lớn, trong số đó có những người đang trong độ tuổi lao động và ngoài độ tuổi lao động (người già, phụ nữ, trẻ em...). Để giải quyết việc làm cho những người dân về quê, vừa qua, tỉnh đã tổ chức buổi họp mặt để thông qua các dự thảo phục hồi kinh tế trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thông tin cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng người lao động, như những doanh nghiệp chế biến cá, may mặc, giày dép...
An Giang là tỉnh phát triển chủ yếu về nông nghiệp. Về công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp chế biến từ những sản phẩm nông nghiệp. Theo số liệu của UBND tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh An Giang có 19 doanh nghiệp chế biến thủy sản, đến nay đã có 16 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đối với những doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trong tuần này sẽ được thẩm định và bắt đầu từ tuần sau sẽ được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn chưa thể hoạt động 100% công suất như trước.
Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại quy mô trong sản xuất và nhu cầu tuyển dụng lao động. Đây sẽ là cầu nối để giới thiệu cho những người đang trong độ tuổi lao động có nhu cầu tham gia lao động sản xuất. Vừa qua Tập đoàn Nam Việt (sản xuất cá da trơn) cam kết sẽ nhận vào 2.000 lao động và hiện tỉnh cũng đang cho những doanh nghiệp khác đăng ký theo cách này”.
Bên cạnh những người đã có tay nghề, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp còn có những người lao động tự do chưa có tay nghề. Đối với những trường hợp này, nếu có nhu cầu tỉnh An Giang sẽ có hướng đào tạo nghề để phù hợp với yêu cầu việc làm.
Đối với những người dân chưa có tay nghề, sau khi về địa phương sẽ được đào tạo lại nếu có nhu cầu.
Hiện, số lao động từ những địa phương khác về Trà Vinh rất nhiều (nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…). Theo UBND tỉnh Trà Vinh, dự kiến có khoảng 30.000 lao động ngoài tỉnh về quê (trong đó có 12.000 lao động đang hưởng bảo hiểm tai nạn và gần 18.000 lao động ngoài tỉnh về).
Để giải quyết việc làm cho những người dân về quê do khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, tỉnh Trà Vinh đã nhanh chóng chỉ đạo các địa phương tổng hợp rà soát, số lao động người Trà Vinh từ địa phương khác về để từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đào tạo nghề cho số lao động này. Đồng thời, tăng cường phối hợp với địa phương, các ban ngành, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo mọi điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ bằng nhiều hình thức. Cụ thể như, hỗ trợ học nghề theo nhu cầu, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ưu tiên tìm kiếm việc làm cho người nghèo; hỗ trợ cho vay vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm hoặc vốn ủy thác của địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng đang kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm giúp giải quyết việc làm theo nhu cầu và nguyện vọng của người lao động.
Đến nay, tỉnh đã xem xét cho 46 doanh nghiệp hoạt động trở lại, với 31.296 lao động. Tỉnh cũng đang tiếp tục kiểm tra thẩm định xem xét chấp thuận cho doanh nghiệp được hoạt động sản xuất theo trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại. Đồng thời, chỉ đạo các ngành phối hợp doanh nghiệp hỗ trợ tuyển dụng lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu. Trong đó sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lớn dự kiến sẽ có phát sinh nhu cầu tuyển dụng mới như: Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong; Công ty TNHH SX&TM Bảo Tiên; Công ty TNHH New Mingda Việt Nam; Công ty TNHH Besmate Việt Nam; Công ty TNHH Woo Sung Global Vina, Công ty Cổ phần Cắt may Sofa Hoa Sen; Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Trà Vinh; Công ty TNHH Leioula Việt Nam; Công ty TNHH Hùng Vỹ; Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm của Công ty Lương thực Trà Vinh.
Dự kiến các doanh nghiệp này cần khoảng 7.000 lao động nếu được trở lại hoạt động bình thường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo