Hỗ trợ doanh nghiệp

Đề xuất nâng vốn điều lệ tối thiểu quỹ bảo lãnh tín dụng lên 10.000 tỷ đồng

DNVN - Cho rằng vốn điều lệ tối thiểu của quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương ở mức 100 tỷ đồng như hiện nay là quá nhỏ, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nâng lên thành 10.000 tỷ đồng.

CARE ra mắt chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp / Kiến nghị nâng mức hỗ trợ chi phí cho nghiên cứu và phát triển

Theo Điều 8 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV. Khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác. Đồng thời khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV.

DNNVV được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của DN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Nhóm DN này cũng được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV theo quy định tại Điều 9 của luật này.

Trong khi đó, tại Nghị định 34 về Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, vốn điều lệ tối thiểu của 1 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương là 100 tỷ đồng.


Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nâng vốn điều lệ tối thiểu của 1 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương lên 10.000 tỷ đồng thay vì 100 tỷ đồng như hiện nay.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đây là con số quá nhỏ bé cho 1 địa phương. Lấy ví dụ 1 địa phương hạng trung là Đà Nẵng, chuyên gia cho biết, nếu có 100 tỷ đồng mà mỗi DN chỉ cần bảo lãnh 50 tỷ đồng thì chỉ đủ cho 2 DN bảo lãnh.

Trở lại với nền kinh tế đất nước, Việt Nam có tổng dư nợ lên đến 12 triệu tỷ đồng. Với tổng dư nợ này thì phần lớn dư nợ dành cho các công ty lớn. Còn cho các DNNVV đâu đó vào khoảng 40%. Mặc dù với 40% - khoảng 5 triệu tỷ đồng dư nợ thì rất nhiều DN cần bảo lãnh từ Quỹ bảo lãnh tín dụng.

"Chính vì vậy, tôi đề xuất con số 10.000 tỷ đồng để có thể bảo lãnh cho các DN trên toàn quốc thay vì Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, vốn điều lệ chỉ 100 tỷ đồng", chuyên gia kiến nghị.

Liên quan đến xếp hạng tín nhiệm đối với DNNVV, chuyên gia cho rằng, việc này khó bởi vì đây là phương pháp thẩm định 1 DN rất bao quát từ thị trường của DN cho đến tình hình tài chính, quản trị của DN và đặc biệt phải có báo cáo tài chính, có kiểm toán.

"Các công ty Saigon Ratings, Fiin Ratings… nếu không có báo cáo kiểm toán, họ có thể thẩm định và đưa ra 1 xếp hạng tín dụng nhưng có thể họ sẽ có những miễn trừ trong đó. Họ nói rằng chỉ thẩm định trên một kết quả của báo cáo tài chính không được kiểm toán.

Do đó, độ tin cậy không lớn. Vì vậy, các DNNVV, đặc biệt là các DN nhỏ với vài chục nhân viên, hộ kinh doanh không có báo cáo tài chính được kiểm toán. Và chúng ta phải chấp nhận là họ có báo cáo tài chính thuế mà thôi. Với báo cáo thuế, có lẽ xếp hạng tín nhiệm DN phải bỏ qua một bên và phải sử dụng xếp chấm điểm tín dụng.

Chấm điểm tín dụng đơn giản hơn nhiều, sử dụng những con số trên báo cáo thuế và đưa vào một số chỉ tiêu, dựa trên những chỉ tiêu đó có những điểm có thể từ 1-10, hay từ 1-6… và bên cạnh những phương pháp về định lượng, tức là sử dụng những con số đó phải có sự thẩm định mang tính định tính.

Chẳng hạn 1 DN có nhà quản lý lâu đời, có uy tín trên thị trường, không vi phạm luật lệ thì phải có tiêu chí trên định tính. Kết hợp cả phương pháp về định tính và định lượng sẽ có điểm tín dụng. Điểm tín dụng này sẽ là cơ sở để các ngân hàng và quỹ bảo lãnh tín dụng có thể thẩm định và hỗ trợ họ bằng bảo lãnh.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm