Triển khai xếp hạng tín nhiệm 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa từ quý III/2024
Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng từ kiểm soát sang kiến tạo / Hai viện nghiên cứu thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN tại Hà Nội
Chia sẻ tại chương trình tập huấn “Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tăng cường khả năng tiếp cận vốn”, sáng ngày 29/3, Ths Trần Văn Hiển - Phó Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) cho biết, hiện cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%.
2 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 218,7 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023.
DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50 – 60%.
Đặc biệt, DNNVV rất khó tiếp cận vốn vay tín chấp do dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp; báo cáo tài chính thiếu tin cậy. Doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3 - 4 năm.
“VINASME có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tín chấp và kế hoạch kinh doanh, dự báo tài chính. Từ đó, doanh nghiệp có thể đạt được điểm xếp hạng tín nhiệm phù hợp để đi vay hoặc nhận bảo lãnh tử quỹ bảo lãnh tín dụng và các quỹ khác”, ông Hiển cho biết.
Cũng theo ông Hiển, việc xếp hạng tín nhiệm DNNVV dựa vào Điều 8 (Hỗ trợ tiếp cận tín dụng) tại Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, luật quy định hỗ trợ tính dụng căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV.
Xếp hạng tín nhiệm DNNVV bao gồm 4 tiêu chí:
Tiêu chí 1 về quản lý tài chính: các số liệu trong báo cáo tài chính.
Tiêu chí 2 về quản trị doanh nghiệp: năng lực, trách nhiệm của người quản lý.
Tiêu chí 3 về đánh giá tính khả thi của các dự án sản xuất, kinh doanh: tính khả thi của dự án kinh doanh, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.
Tiêu chí 4 về trách nhiệm với cộng đồng, xã hội: phát triển doanh nghiệp nhưng có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Đánh giá về thuận lợi trong triển khai xếp hạng tín nhiệm DNNVV, theo ông Hiển, quá trình này phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng; được sự ủng hộ, khuyến khích từ cơ quan quản lý Nhà nước (đã được ghi trong Luật Hỗ trợ DNNVV).
Quá trình triển khai cũng được sự hỗ trợ từ các đơn vị trong và ngoài nước đã có kinh nghiệm trong việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm như Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), Công ty Cổ phần FiinRatings (FiinRatings), tổ chức xếp hạng tín nhiệm Saigon Ratings…
Tuy nhiên, hoạt động xếp hạng tín nhiệm DNNVV còn gặp không ít khó khăn liên quan đến việc xây dựng bộ chỉ số bảo đảm phù hợp với 3 đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; cách thức tiếp cận, triển khai xếp hạng tín nhiệm và nguồn kinh phí để thực hiện.
Sự kiện thu hút hàng trăm đại biểu, doanh nhân đại diện các doanh nghiệp tham dự.Để hỗ trợ DNNVV tăng cường khả năng tiếp cận vốn, VINASME đã đưa ra Kế hoạch triển khai xếp hạng tín nhiệm DNNVV năm 2024 theo các bước sau:
- Thường trực Hiệp hội phê duyệt đề án (qúy I/2024).
- Tham vấn tổ chức, cá nhân, chuyên gia hoàn thiện, phương pháp xếp hạng tín nhiệm, trong đó có Bộ tiêu chí xếp hạng tín nhiệm cho DNNVV (quý II/2024)
- Tiến hành triển khai xếp hạng tín nhiệm khoảng 100 DNNVV (quý III, IV/2024).
- Đánh giá, điều chỉnh và nhân rộng mô hình (quý IV/2024).
Kết quả xếp hạng này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp DNNVV có thể đi vay hoặc nhận bảo lãnh tử quỹ bảo lãnh tín dụng và các quỹ khác. Qua đó, thúc đẩy và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo