Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần bệ đỡ chính sách để yên tâm đầu tư ra nước ngoài

DNVN - Để nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ của các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, thuế. Cần ban hành chính sách ưu đãi đủ mạnh để tạo động lực cho doanh nghiệp.

Đổi mới hoạt động xúc tiến, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư / Vì sao các vụ kiện của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng lên?

Mới đây, Viện nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar và Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã nghiên cứu, biên soạn và phát hành cuốn sách "Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar". Đây là ấn phẩm đầu tiên về vấn đề doanh nghiệp (DN) Việt đầu tư ra nước ngoài.

Nhân dịp này, Thương hiệu Việt có cuộc trao đổi với TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) về thực trạng đầu tư ra nước ngoài cũng như những khuyến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước để thúc đẩy hoạt động đầu tư của DN Việt Nam.

Nhiều năm qua, các báo cáo về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài rất ngắn gọn, không có báo cáo phân tích sâu cũng như đánh giá về đầu tư ra nước ngoài. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên ISC, ông có thể chia sẻ mục tiêu và mong muốn lớn nhất của nhóm nghiên cứu là gì khi biên soạn cuốn sách?

TS Phan Hữu Thắng:Mục tiêu và mong muốn lớn nhất của của chúng tôi khi biên soạn và xuất bản cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” là cung cấp những thông tin cần thiết để cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam, nhất là các DN đã và đang có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI) đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thực trạng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 24 năm qua.

Qua đó, xây dựng định hướng và giải pháp đúng đắn nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.


TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT).

Với nhiều năm nghiên cứu về đầu tư quốc tế, ông đánh giá như thế nào về thành công và thất bại của DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài?

TS Phan Hữu Thắng:Nhìn lại 24 năm đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, có thể thấy rõ những thành công bước đầu của các DN Việt Nam khi vươn ra thị trường thế giới. Các DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 1.600 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỷ USD, có mặt ở 79 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

OFDI đã tạo động lực cho các DN mở rộng quy mô và phát triển kinh doanh. Một số DN đã tạo được ấn tượng trên thị trường quốc tế, gây dựng được thương hiệu ở nước ngoài như các tập đoàn, tổng công ty Viettel, TH, FPT, KN, Vinamilk, NutiFood…

Hoạt động đầu tư của các DN ra nước ngoài thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước, đặc biệt với Lào và Campuchia. Đây là thành công lớn nhất.

Tuy vậy, đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Dòng vốn OFDI của Việt Nam so với nhóm ASEAN-5 rất nhỏ bé. Tỷ lệ vốn OFDI thực hiện so với GDP chỉ đạt hơn 3%, quá thấp so với mức bình quân chung của các nước đang phát triển và của chung toàn thế giới. Nếu so sánh tỷ lệ này của Việt Nam với các nước trong khu vực vào năm 2015 như Malaysia (46,2%), Thái Lan (17,2%), Philippines (14,1%) thì có thể thấy rằng, vai trò của OFDI đối với Việt Nam còn rất hạn chế.


Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tạo được ấn tượng trên thị trường quốc tế, gây dựng được thương hiệu ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của các DN Việt Nam ở nước ngoài còn thấp. Nhiều dự án lớn gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn đầu tư hoặc tạm dừng hoạt động. Năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam ở thị trường nước ngoài còn yếu.

Theo ông, hiện tại, hành lang pháp lý của Việt Nam cho quá trình đầu tư ra nước ngoài như thế nào, cần phải hoàn thiện gì để trở thành bệ đỡ quan trọng, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư?

TS Phan Hữu Thắng:Phải thừa nhận rằng thời gian qua, các cấp quản lý Nhà nước có thẩm quyền và xã hội chưa đánh giá đúng vai trò của đầu tư ra nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong khi chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI), các chính sách, pháp luật về đầu tư chưa thể hiện được tư duy tổng thể về vị thế của Việt Nam trong sự chuyển dịch của dòng đầu tư trên thế giới.

Coi OFDI chỉ là kênh khai thác thị trường cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam mà chưa nhận thấy đây là kênh quan trọng để tiếp nhận công nghệ cao, công nghệ mới từ các nước tiên tiến chuyển giao về trong nước. Chưa kết hợp hài hòa nhu cầu phát triển trong nước với nhu cầu của DN khi đầu tư ra nước ngoài.

Theo giới chuyên gia, cần ban hành chính sách ưu đãi đủ mạnh để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Việc nhận thức chưa đúng về OFDI khiến cho công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài diễn ra chậm chạp, thiếu sự quan tâm đúng mức. Một số cơ chế chính sách còn gây cản trở việc đầu tư ra nước ngoài của các DN, làm tăng chi phí hành chính, chi phí hoạt động sau khi DN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam, trước mắt cần rà soát, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ của các chính sách, pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế.

Cần ban hành chính sách ưu đãi đủ mạnh để tạo động lực cho các DN đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà đất nước đang cần công nghệ và kỹ năng quản lý, những địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Ban hành các tiêu chí, điều kiện tạo cơ sở lựa chọn, sàng lọc dự án đầu tư ra nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển và nhu cầu trong nước...

Với cuốn sách "Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar", có lẽ cũng như tôi, nhiều người muốn biết vì sao nhóm nghiên cứu lại nhấn mạnh đến Myanmar mà không phải là một quốc gia khác?

TS Phan Hữu Thắng:Có nhiều bằng chứng thực tế cho thấy rằng, các công ty của các nước đang phát triển khi đầu tư ra nước ngoài thường thực hiện qua nhiều bước. Việc đầu tư vào các nền kinh tế nhỏ hơn và gần gũi hơn được coi là “bước đệm” trong quá trình quốc tế hóa công ty.

Hạn chế về mạng lưới và kinh nghiệm kinh doanh quốc tế là một trong những nguyên nhân chính làm cho DN của các nước đang phát triển khó cạnh tranh được với các đối thủ đến từ các nước phát triển ở các thị trường xa về địa lý, quy mô thị trường lớn.


Myanmar có rất nhiều tiềm năng và đang mở ra cơ hội lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư.

Theo góc nhìn của nhóm nghiên cứu, Myanmar có rất nhiều tiềm năng và đang mở ra cơ hội lâu dài cho các DN Việt Nam đến đầu tư, dù trước mắt còn nhiều khó khăn, trở ngại nhất định.

Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn cuốn sách, chúng tôi đã trực tiếp đến Myanmar khảo sát thực tế, qua đó nhận thấy tiềm năng to lớn và rất nhiều cơ hội đầu tư cho các DN Việt Nam. Trong từng bang, từng vùng của Myanmar chúng tôi đã xác định được tiềm năng và cơ hội đầu tư theo các ngành nghề, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.

Kế hoạch hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây có điểm đầu là Việt Nam và điểm cuối là Myanmar đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 8 (10/1998). Chắc chắn, trong tương lai không xa, Myanmar sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Việt Nam dù trước mắt các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp không ít khó khăn.

Ông có đề xuất gì với cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ, thúc đẩy DN đầu tư sang Myanmar?

TS Phan Hữu Thắng:Nhà nước cần chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng hỗ trợ các DN đầu tư sang Myanmar chiếm lĩnh thị trường khi điều kiện cho phép.

Cụ thể, tăng cường hợp tác kinh tế song phương từ cấp Trung ương đến cấp địa phương của hai nước. Nghiên cứu, trao đổi biện pháp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, thương mại giữa hai nước. Tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức hữu nghị và hiệp hội DN, nâng cao tính chủ động của các DN trong hợp tác thương mại và đầu tư với đối tác Myanmar.

Đồng thời, Chính phủ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, chương trình hợp tác giữa 4 quốc gia (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar) trong từng lĩnh vực cụ thể nhằm cải thiện một cách đồng bộ cơ sở hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại, tạo thuận lợi cho việc đầu tư của DN và lưu thông hàng hóa trong khu vực Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Xin cảm ơn ông!


Nguyệt Minh (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm