Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp mông lung về kiểm kê khí nhà kính, vì đâu?

DNVN - Để thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050, theo quy định, hơn 1.900 doanh nghiệp (DN) phải cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn trong năm 2023. Tuy nhiên, hiện DN vẫn rất lúng túng, mông lung về hoạt động và phương thức để thực hiện kiểm kê.

Thúc đẩy văn hóa đa dạng, bình đẳng, bao trùm trong doanh nghiệp / Bị cắt điện đột ngột, doanh nghiệp ngành nhôm "không kịp trở tay"

Doanh nghiệp lúng túng

Với cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là việc ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; quyết định số 01/QĐ-TTG về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Đây chính là những cơ sở cơ bản nhất để các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện và hành động để đạt mục tiêu Net Zero.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7/1/2022 đã có những quy định về lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Theo đó, hơn 1.912 doanh nghiệp thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trong năm 2023.

Doanh nghiệp đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động kiểm kê khí nhà kính.

Tại diễn đàn "Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường carbon" diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, nội dung kiểm kê khí nhà kính được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm và đưa ra trao đổi. Theo chia sẻ của các DN, hiện có nhiều đơn vị, tổ chức giúp DN trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, điều DN băn khoăn là có cơ sở nào để xác định đơn vị có đủ thẩm quyền và khả năng giúp DN thực hiện kiểm kê khí nhà kính hay không? Hiện có bao nhiêu đơn vị, tổ chức có thẩm quyền để thực hiện việc kiểm kê này?

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam cho biết, công ty đã có đội ngũ kiểm toán năng lượng và được cấp chứng chỉ bởi Bộ Công Thương. Tuy nhiên, DN nay băn khoăn và đặt câu hỏi: "Với đội ngũ hiện tại, việc thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính có tuân thủ theo quy định pháp luật hiện tại hay không và sắp tới với đội ngũ này cần phải bổ sung chứng chỉ, giấy tờ gì nữa?".

Giải đáp câu hỏi này, ông Phạm Việt Biên Cương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu (CEPVN) cho biết, hiện DN đã có đội ngũ nhân lực về kiểm kê khí nhà kính thì DN hoàn toàn có thể sử dụng và tính toán vấn đề này. Nhưng vấn đề là sau khi DN tự lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính phải trải qua quá trình thẩm định lại báo cáo của cơ quan có thẩm quyền.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Hồng Quân - Trưởng Ban tổ chức Chiến dịch RACE TO NET ZERO chia sẻ, các đơn vị, tổ chức tư vấn hoặc ngay tại nội bộ DN đều có thể thực hiện quá trình kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, cái khó ở đây là báo cáo kiểm kê khí nhà kính phải được các cơ quan chuyên môn có liên quan trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện thẩm định phê duyệt theo quy trình của Bộ TN&MT. Và hiện tại đơn vị có đủ điều kiện thẩm định và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải đạt được các tiêu chí theo Nghị định 06.


Theo ông Phạm Hồng Quân (trái) - Trưởng Ban tổ chức Chiến dịch RACE TO NET ZERO, báo cáo kiểm kê khí nhà kính phải được các cơ quan chuyên môn có liên quan trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện thẩm định phê duyệt theo quy trình của Bộ TN&MT.

Đó là các tổ chức có năng lực thẩm định được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) công nhận; hoặc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14065 về các yêu cầu đối với các tổ chức thẩm định và kiểm định khí nhà kính sử dụng trong việc công nhận hoặc các hình thức thừa nhận khác; hoặc có kỹ thuật viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học về kiểm kê khí nhà kính theo quy định của IPCC đối với lĩnh vực tương ứng. Sau khi báo cáo của DN nộp cho cơ quan quản lý địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ thành lập hội đồng và thông qua báo cáo của DN. Trong trường hợp báo cáo chưa bảo đảm tính tin cậy thì yêu cầu đơn vị tư vấn hoặc trực tiếp các DN tự kiểm kê được phải tính toán lại kết quả. Kết quả cuối cùng được nộp lên UBND cấp tỉnh và Bộ TN&MT.

Hiện các cơ quan đạt yêu cầu thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính của DN đang gửi đơn về phía Bộ TN&MT và sắp tới khi ban hành các tiêu chí rõ ràng hơn về việc các đơn vị nào đủ điều kiện thẩm định sẽ được công bố trên trang điện tử của Bộ TN&MT.

TS Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, cộng đồng DN phải cải tiến kỹ thuật, công nghệ để lượng phát thải thấp đi. Người dân phải hiểu để thay đổi thói quen sinh hoạt cũ, thay vào đó sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hơn.

"Tuy nhiên, đến thời điểm này, khó khăn của DN vẫn còn rất lớn và rất nhiều. Nhiều DN lúng túng, chưa hiểu kiểm kê khí nhà kính là như thế nào. Ai kiểm kê và kiểm kê ra sao. Kiểm kê xong rồi, có tín chỉ và chứng nhận rồi, thừa tín chỉ carbon thì đổi thành tiền như thế nào? Đây lại là vấn đề nữa mà DN thực sự còn mông lung", ông Ngọc chia sẻ.

Cần sớm hoàn thành sàn giao dịch tín chỉ carbon

Theo TS Nguyễn Linh Ngọc, thực chất việc DN mông lung về Net Zero là nằm ở cơ chế chính sách. Cơ chế chính sách của chúng ta hiện nay chưa đầy đủ. Do đó, là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối giữa người dân, DN với cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam có 2 kiến nghị lên Chính phủ.

TS Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, việc DN mông lung về Net Zero là nằm ở cơ chế chính sách.

Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các công việc liên quan đến Net Zero, nhất là Bộ TN&MT. Trong nghị định 06 còn một loạt vấn đề chưa triển khai xong. Đơn cử nội dung hạn ngạch phát thải khí nhà kính là do Bộ TN&MT cung cấp cho các DN nhưng hiện chưa rõ ràng. Điều này gây khó khăn để có 1 thị trường carbon bắt buộc. Và các cơ quan, ban, ngành liên quan phải khẩn trương để xây dựng các quy định, quy trình hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo ngành, lĩnh vực yêu cầu.

"Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cũng còn rất nhiều việc phải triển khai. Đến năm 2024 mới hoàn thành chính sách là quá muộn bởi còn khoảng thời gian thử nghiệm. Từ kinh nghiệm của thế giới, theo tôi Việt Nam nên ban hành chính sách vào cuối năm nay. Sang năm 2024 vận hành, nếu có điều gì chưa chuẩn để sửa đổi, điều chỉnh", ông Ngọc đề xuất.

Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, Việt Nam cần sớm hoàn thành sàn giao dịch này để có 1 thị trường trao đổi, mua bán lành mạnh, rõ ràng, minh bạch tạo động lực cho DN và các đối tượng liên quan tham gia thị trường.

Thứ hai, quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí kính của DN qua các cấp với những thủ tục hành chính rất rườm rà, phức tạp.

"DN tự kiểm kê hoặc thuê tư vấn kiểm kê. Nhưng sau khi kiểm kê xong phải thông qua hội đồng xét duyệt, qua nhiều cấp khác nhau để được ký duyệt. Điều này gây nhiêu khê cho DN. Có những tập đoàn, công ty có đầy đủ điều kiện kiểm kê thì nên để DN làm và DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của họ. Không cần phải qua cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, xét duyệt. Hoạt động kiểm kê diễn ra hàng năm nhưng nếu phải qua nhiều cấp, nhiều hội đồng thì nửa năm chưa duyệt xong. Câu chuyện này chúng ta cần xem xét", Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phân tích.

Theo ông Ngọc, hội sẽ trình 2 kiến nghị này lên cơ quan quản lý Nhà nước để sớm có hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp hơn và năng động hơn, tạo động lực cho DN tham gia trong thời gian tới.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm