Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực gặp khó về thủ tục vay vốn

DNVN - Theo các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, đối diện nhiều thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài, họ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng tiếp cận vốn do vướng mắc về thủ tục.

Các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo doanh thu trung bình cao hơn 20% / ‘Nữ tướng’ Tống Kim Giao: VJBA thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa Việt Nam – Nhật Bản

Trong văn bản gửi tới Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) thành viên trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Lý do là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu. Vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường. Cạnh tranh chiến lược của các cường quốc. Xung đột Nga - Ucraina chưa có hồi kết. Vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia. Giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao. Thêm vào đó là sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn...

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số… cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hội viên.

Đặc biệt, theo HAMI, các DN vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do vướng mắc về thủ tục vay vốn. Khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.


Theo HAMI, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.

Việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương. Từ đó gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế. Công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.

Tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, một số DN thuộc hội do kinh doanh đa ngành hoặc đã kịp thời khắc phục trở ngại, chuyển hướng sản xuất nên sản lượng nên doanh thu 6 tháng cuối năm 2023 đã dần được ổn định.

Tuy nhiên, nhiều DN thành viên HAMI bị ảnh hưởng và gặp không ít khó khăn. Điển hình là với các đơn vị cơ khí chế tạo, xây lắp như Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, Công ty cổ phần mặt dựng CAG...

Trong bối cảnh này, HAMI kiến nghị tăng thời hạn thêm cho khác khoản vay đến hạn, hỗ trợ lãi suất. Đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực đấu thầu tham gia các dự án của Nhà nước, hoặc có vốn ngân sách đầu tư.

Cần đưa ra những chính sách, tạo điều kiện để DN tiếp cận được vốn vay như nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực. Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, tạo lực cho DN phục hồi và phát triển.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm