Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp xây dựng đối diện nhiều yếu tố bất lợi

DNVN - Giá nguyên vật liệu tăng cao, nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng thời hạn, thời tiết không thuận lợi, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, không biết đến thông tin đấu thầu... là những yếu tố tác động thiếu tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong 6 tháng đầu năm nay.

Dịch vụ công trực tuyến: Đơn giản hóa ít nhất 20% quy định kinh doanh / Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Năng lực hoạt động cải thiện khiêm tốn

Theo báo cáo chuyên đề tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) 6 tháng đầu năm 2024 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN xây dựng dù cũng có sự cải thiện trong quý II/2024 so với quý I/2024 nhưng còn hạn chế.

Chỉ số cân bằng chung của các DN ngành này trong quý II/2024 còn âm 4,3% so với quý I/2024, phản ánh tỷ lệ DN nhận định tăng vẫn thấp hơn tỷ lệ DN nhận định giảm.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các DN ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2024 được nhận diện rõ hơn thông qua phân tích lần lượt từng yếu tố liên quan đến sản xuất kinh doanh.

Trong đó, hợp đồng xây dựng mới được cải thiện khi nhận định của các DN trong quý II/2024 tích cực hơn so với quý I/2024. 24,1% DN nhận định tăng trong quý II so với 15,1% DN trong quý I năm nay; trong khi tỷ lệ DN nhận định giảm lần lượt là 25,8% so với 40,3%.


Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngành xây dựng dù đã cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế.

Tỷ lệ DN nhận định sử dụng lao động tăng đã tăng lên từ 13% trong quý I/2024 lên 29,9% trong quý II/2024. Ngược lại, nhận định giảm tương ứng giảm từ 31% xuống còn 18,0% DN. Mặc dù vậy, tỷ lệ DN nhận định sử dụng lao động giữ nguyên giữa hai kỳ khảo sát còn cao và tăng lên, từ 56,0% lên 61,0%.

Tỷ lệ lớn DN (31,1% và 44,5%) cho rằng chi phí sản xuất tăng, cao hơn so vo với tỷ lệ DN nhận định giữ nguyên (35,7% và 37,6% DN) giữa các kỳ khảo sát. Trong khi đó, tỷ lệ DN nhận định chi phí sản xuất giảm đã giảm mạnh giữa hai kỳ khảo sát, từ 33,2% trong quý I/2024 xuống còn 17,9% DN trong quý II/2024.

Đây là diễn biến thiếu tích cực đối với các DN bởi chi phí sản xuất trong quý II đã tăng lên so với quý I/2024. Tương tự, với các chi phí như: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp, tỷ lệ DN nhận định tăng cũng lên.

Cũng theo khảo sát của VCCI, năng lực hoạt động của các DN ngành xây dựng trong quý II đã được cải thiện so với quý I/2024 nhưng còn khiêm tốn. Tỷ lệ DN đạt năng lực hoạt động từ 70% so với năng lực thực tế trong quý II đã tăng nhẹ so với quý I/2024, nhưng chưa đạt ½ số DN tham gia khảo sát, cụ thể tăng từ 42,8% DN lên 45,6% DN.

Liên quan đến vốn, vay ngân hàng vẫn là nguồn tiếp cận chính của các DN, lần lượt chiếm đến 76,3% và 75,8% DN. Trong khi đó, vay từ những nguồn khác chỉ được tỷ lệ nhỏ DN sử dụng, lần lượt chiếm 1,3% và 1,4% DN.

Nhiều yếu tố bất lợi

Báo cáo cho thấy, các DN ngành xây dựng cũng chịu sự tác động của nhiều yếu tố trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong tổng số 11 yếu tố được tham vấn, có 4 yếu tố có tỷ lệ DN nhận định trong quý II giảm so với quý I/2024, là diễn biến tích cực, gồm: không có hợp đồng xây dựng mới, thiếu vốn cho hoạt động SXKD, công tác giải phóng mặt bằng chậm, không tuyển được lao động theo yêu cầu.

Trong khi đó, có đến 7/11 yếu tố tác động đến sản xuất kinh doanh của DN có tỷ lệ DN nhận định tăng, thiếu tích cực đối với DN, bao gồm: giá nguyên vật liệu tăng cao, nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng thời hạn, năng lực cạnh tranh của DN hạn chế, điều kiện thời tiết không thuận lợi, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng và không biết đến thông tin đấu thầu.

Theo đó, 3 yếu tố có tác động mạnh nhất tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2024 (có tỷ lệ DN lựa chọn cao nhất) gồm: không có hợp đồng xây dựng mới; giá nguyên vật liệu tăng cao và nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng thời hạn.

Dù vậy, xu hướng sản xuất kinh doanh của DN ngành xây dựng trong quý III/2024 được dự báo tích cực hơn so với các quý đầu năm. Cụ thể, chỉ số cân bằng chung được dự báo dương 0,7% (so với âm 4,3% của quý II/2024 và âm 25,9% của quý I/2024).

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm