Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng bằng Sông Cửu Long: Nguy cơ thiếu hụt lao động tại nhiều doanh nghiệp

DNVN - Mặc dù 95% doanh nghiệp (DN) khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hoạt động trở lại nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN là thiếu hụt lao động do dịch vẫn lan rộng. Tết Nguyên đán cận kề, số người lao động có nhu cầu về quê khá lớn nên các chủ DN rất lo lắng.

Doanh nghiệp thủy sản kêu vướng về quy định kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu / Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam: Không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì mức thuế "hủy diệt"

Khó khăn lớn nhất là thiếu hụt lao động
Tại hội thảo “Nhìn lại kinh tế vùng năm 2021 và kịch bản năm 2022” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức trực tuyến sáng 10/12, bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, số DN tại ĐBSCL trong 11 tháng năm 2021 giảm 15% về số lượng và giảm 23% về số vốn đăng ký, giảm 19% về số người lao động (NLĐ) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, cấu trúc DN ở ĐBSCL tập trung ở những ngành nghề cơ bản hầu như có kết quả kinh doanh rất thấp so với các ngành hàng khác của Việt Nam.
Chỉ số sử dụng lao động công nghiệp tính đến thời điểm tháng 11/2021 so với các năm trước có sự sụt giảm rất mạnh. Cụ thể, chỉ số sử dụng lao động công nghiệp trên toàn vùng ĐBSCL chỉ đạt 75,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre có tốc độ phục hồi thấp nhất trong vùng.
"Những số liệu trên khiến chúng ta có thể hình dung được khả năng tích lũy của DN nhỏ và vừa tại ĐBSCL rất thấp dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Những gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ thực sự rất quan trọng đối với khu vực", bà Hương bày tỏ.
Khó khăn lớn nhất của các DN ĐBSCL hiện nay là thiếu lao động.

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, Chủ tịch HĐQT Dongtam Group cho biết, là một trong những "tâm dịch" của cả nước trong đợt dịch thứ tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều do phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, từ ngày 11/10 Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiểu quả dịch COVID-19, đến nay, ước tính có 95% doanh nghiệp đã hoạt động lại với khoảng330.000 lao động.
"Dù đa số DN hoạt động trở lại nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN là thiếu hụt lao động do dịch vẫn lan rộng ở miền Tây. Doanh nghiệp phục hồi năng suất mới đạt từ 70 - 80% so với trước dịch. Thêm nữa, Tết Nguyên đán cận kề, số người lao động có nhu cầu về quê rất lớn nên các chủ DN rất lo lắng", ông Thắng thông tin.
Nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu đáp ứng không kịp thời, khan hiếm, giá thành cao; chi phí hoạt động tăng cao, do các phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 của ĐBSCL đã gần tiệm cận 300.000 ca. Số ca mắc mới tăng trưởng bình quân 5% mỗi ngày tính từ tháng 10 đến nay. Những ngày đầu tháng 12, bình quân có 5.000 ca mắc mới mỗi ngày trên toàn vùng.
"Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, cộng đồng DN của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn", ông Thắng đánh giá.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng DN đối mặt với nhiều thách thức khi dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn cũng như xử lý liên kết vùng chưa hiệu quả. Trong khi đó, hỗ trợ cho NLĐ còn chậm, điều kiện thủ tục và phạm vi tiếp tục được hoàn thiện. Thêm vào đó, không gian cho các hoạt động kinh tế mới còn hạn chế.
Cần thiết cải cách thể chế
Bà Võ Thị Thu Hương cho biết, cộng đồng DN rất mong muốn Nhà nước quan tâm về chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề NLĐ. Với chính quyền địa phương, các DN mong nhận được sự quan tâm về chính sách an sinh xã hội đối với những lao động rời thành phố về quê trong đợt dịch vừa qua.
Với cộng đồng DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bà Hương khuyến nghị, cần tích cực tham gia các hoạt động của hiệp hội để chia sẻ thông tin, qua đó hiệp hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho DN.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, DN cần quan tâm đến việc giữ chân NLĐ, tiếp cận thị trường tiêu thụ và điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng sản xuất xanh, chuyển đổi số và liên kết.
Đặc biệt, theo chuyên gia này, giải pháp căn cơ và lâu dài cho doanh nghiệp hiện tại không chỉ là vấn đề vốn để phục hồi sản xuất mà nằm ở việc cải cách thể chể để DN có thể phát triển bền vững trong bối cảnh còn biến động.
Trong khi đó, ông Võ Quốc Thắng kiến nghị, Nhà nước nên đầu tư, tạo đà cho doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua các chính sách đầu tư trọng điểm cho vùng, liên kết vùng để sự lưu thông hàng hóa tốt, từ đó giảm chi phí logistic, tạo thuận lợi cho DN sớm phục hồi và phát triển.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm