Hỗ trợ doanh nghiệp

Đừng để thủ tục hành chính trở thành rào cản gây khó cho doanh nghiệp

DNVN - Việc thực hiện cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.

Để tránh rủi ro pháp lý, doanh nghiệp không thể mơ hồ về Luật Cạnh tranh / Đà Nẵng: Kiến nghị chưa điều chỉnh hệ số giá đất sản xuất, kinh doanh

Doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn chồng chất

Tại “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” ngày 19/7 tại Hà Nội, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, chưa khi nào, cộng đồng DN cả nước lại phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số DN rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số DN thành lập mới có xu hướng chững lại. Đối với các DN đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.


Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa.

"Tình trạng một bộ phận cán bộ công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền khiến DN lâm vào tình cảnh đã khó ngày càng khó khăn hơn. Việc trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến nhiều dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho DN. Nhiều DN mất cơ hội đầu tư", ông Đoan nêu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, trước những “cơn sóng khó khăn” dồn dập như vậy, DN đã “thấm đòn”. Nhiều DN buộc phải đóng cửa, hoặc cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc. Thậm chí, có DN lựa chọn phương án ngừng sản xuất kinh doanh. Điều đó đã dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, người lao động mất công ăn việc làm, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, hiện các DN đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Trong đó, khó khăn nhất của DN là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở thời điểm khó khăn về thị trường, cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các DN trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong khu vực.

Theo ông Phan Đức Hiếu, trong bối cảnh "khó chồng khó" hiện nay, để gỡ khó cho cộng đồng DN, cần thiết thực hiện cải cách thể chế.

Chẳng hạn, Dự thảo quyết định định mức tái chế (Fs) vừa được bàn thảo, ngoài thủ tục hành chính, dự kiến những DN không tự tái chế phải nộp khoản tiền cho Quỹ Bảo vệ môi trường. Dự kiến tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có thể gia tăng chi phí cho DN.

"Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật”, ông Hiếu nhấn mạnh.


Bà Trần Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Cùng góc nhìn, bà Trần Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt thì khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Và trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chúng ta phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế.

Việc Quốc hội thông qua 1 luật sửa 8 luật là một bước tiến rất lớn. Tuy nhiên, khi nhìn nhận trên thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng còn sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của DN. Vì vậy, những sửa đổi trước đó dường như là chưa đủ, chúng ta sẽ cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Cần có tiếng nói mạnh hơn từ hiệp hội

Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, trong bối cảnh quốc tế và khu vực thay đổi, yêu cầu đặt ra ngày càng cao, việc thực hiện cải cách thể chế vì thế ngày càng cần thiết và quan trọng.

"Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 644 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và DN. Trong đó, có 3 điểm được nhấn mạnh: không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm chi phí tuân thủ; rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và DN", ông Hiếu nêu.

Để thực hiện hiệu quả Công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ, cải cách thể chế hiệu quả và bền vững, ông Phan Đức Hiếu đề xuất 3 gợi ý.


Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Thứ nhất, tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để DN có thời gian ổn định sức khoẻ và chuẩn bị phương án tuân thủ. Đồng thời có hỗ trợ tài chính trực tiếp cho DN trong tuân thủ quy định như phòng cháy chữa cháy, kiểm kê khí nhà kính…

Thứ hai, cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp DN thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đây là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã được áp dụng trong thời kỳ COVID - 19.

Thứ ba, về lâu dài nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát từ chính các cơ quan ban hành thể chế sẽ không hiệu quả.

Trong khi đó, Viện trưởng CIEM cho rằng, các hiệp hội DN, VCCI cần tham gia sâu hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Nếu xử lý được câu chuyện vướng mắc, bất cập của chính sách hiện nay, sẽ là hành lang pháp lý ổn định để DN, nền kinh tế phát triển.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm