Hỗ trợ doanh nghiệp

Giải pháp giảm chi phí vận tải: Xây dựng "Sàn giao dịch logistics"

DNVN - Chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng của Việt Nam đang ở mức rất cao, tạo gánh nặng cho nền kinh tế và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Việc giảm chi phí logistics với trọng tâm là giảm chi phí vận tải phải có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực, bằng các giải pháp đồng bộ...

Trước khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần đặt ra 3 câu hỏi / Lâm Đồng: Chi hội Doanh nghiệp Lâm Hà kỷ niệm 5 năm thành lập với nhiều kỳ vọng mới

Ngành dịch vụ quan trọng
Tại Hội thảo khoa học quốc gia về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam lần thứ 2 (CLSCM-2022) với chủ đề “Giải pháp phát triển Logistics và Chuỗi cung ứng bền vững của Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương và Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức ngày 14/10 tại Đà Nẵng, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết: Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực.
Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 371 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021.
"Kết quả tích cực này không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics", bà Võ Thị Thúy Anh nhấn mạnh.

Hội thảo CLSCM-2022 thu hút sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá về những hạn chế, trở ngại của ngành logistics.
Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thế giới đang trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về cách thức vận hành và cung ứng dịch vụ hàng hóa và quản lý chuỗi cung ứng. Đây là câu hỏi lớn, là vấn đề đặt ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường.
Chi phí vận tải quá cao
Đề cập đến giải pháp giảm chi phí vận tải chi phí logistics tại Việt Nam, GS. TS Nguyễn Trường Sơn - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết: Chi phí logistics là chi phí thực doanh nghiệp phải trả. Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác.
Cả chi phí logistics và vận tải của Việt Nam đều ở mức cao so với thế giới, là gánh nặng cho nền kinh tế quốc dân, giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ảnh hưởng lớn đến năng lực sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế nói chung và DN nói riêng.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng chi logistics và vận tải cao đặc biệt ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đó là do hạn chế của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, trong đó hệ thống đường bộ, đường thủy và sân bay chất lượng còn thấp, thiếu sự kết nối và đồng bộ giữa các loại vận tải. Hệ thống kho bãi bố trí thiếu sự tối ưu về không gian, quy mô nhỏ. Thiếu trung tâm phân phối hàng hóa, phương tiện xếp dỡ cũng thiếu, không đồng bộ.

Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ quá cao.
Không thể thực hiện vận tải đa phương thức để tận dụng ưu thế của mỗi phương thức. DN gặp đâu thuế đó, không thể tối ưu trong phương thức vận tải.
Thêm vào đó là sự bất hợp lý trong sử dụng các phương thức vận tải hàng hóa. Cụ thể, đường sắt và đường biển chiếm tỷ lệ quá nhỏ, 1% và 5%. Trong khi đó đường bộ là 78%, đường thủy nội địa là 16%.
"Điều đáng nói là phương thức vận tải đường bộ có chi phí cao nhất được sử dụng nhiều nhất, từ đó làm chi phí vận tải cao. Chi phí đường bộ cao một cách bất thường so với các phương tiện vận tải khác và so với các nước khác", GS. TS Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, năng lực DN vận tải và logitics còn hạn chế. Đa phần các DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, khả năng liên kết giữa các DN kém, kết nối cung cầu vận tải không hiệu quả. Phương tiện vận tải chủ yếu quy mô nhỏ, lạc hậu, công nghệ logistics không hiện đại. Do đó, vận tải 1 chiều chiếm tới 40 - 50%. Không tận dụng được lợi thế về quy mô vận tải.
Đặc biết, thời gian và chi phí cho các thủ tục hành chính còn quá lớn. Gánh nặng về thời gian và chi phí logistics còn khá nặng nề. Trong thủ tục thông quan, chỉ khoảng 28% thời gian là làm việc, 68% là thời gian chờ đợi. Thêm vào đó là nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Thói quen tự vận chuyển hàng hóa, không thuê các công ty logistics ở bên ngoài còn phổ biến khiến chi phí logistics của DN tăng lên.
Thêm một điều đáng lưu tâm là cơ cấu giá xăng dầu tại Việt Nam cũng ảnh hưởng lớn đến chí logistics. Giá bán xăng dầu ở nước phải "cõng" giá nhập khẩu, lợi nhuận định mức, VAT (10%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), phí môi trường với tối đa là 4.000 đồng và phí lưu thông.
Cần giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng này, GS.TS Nguyễn Trường Sơn kiến nghị Nhà nước và cơ quan quản lý cần quy hoạch hạ tầng giao thông hợp lý, bảo đảm đa dạng các hình thức vận chuyển và tăng cường tính kết nối giữa các phương thức.
Thúc đẩy hình thành các trung tâm khai thác hàng hóa cấp tỉnh, cấp vùng... ; đưa việc xây dựng các trung tâm khai thác hàng hóa vào quy hoạch của tỉnh, TP, kêu gọi sự đầu tư.
Tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa các chủ thể trên chuỗi bằng cách xây dựng "Sàn giao dịch logistics" với vai trò là cầu nối, là nơi gặp gỡ của chủ hàng và đơn vị vận tải.
Cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng và tiêu cực để giảm chi phí không chính thức. Đồng thời điều hành hợp lý hơn và tận dụng dư địa để giảm giá xăng dầu.
Với DN vận tải và logistics, chuyên gia khuyến nghị cần hiện đại hóa việc quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số để kết nối cung cầu về vận tải. Hiện đại hóa phương tiện vận tải, chuyên môn hóa chức năng logistics trong hoạt động của DN.
Chủ động làm việc với các chủ hàng để khai thác nguồn hàng và có phương án vận tải hợp lý nhằm giảm giá thành vận tải. Tăng cường liên kết giữa các đơn vị vận tải đặc biệt là giữa các DN lớn vận tải đường dài và DN nhỏ vận tải cự ly ngắn.
Đồng thời tăng cường sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài. Sử dụng phương thức vận chuyển phù hợp, chủ động lựa chon sử dụng vận tải đa phương thức.
"Chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng của Việt Nam đang ở mức rất cao, tạo gánh nặng cho nền kinh tế và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Việc giảm chi phí logistics với trọng tâm là giảm chi phí vận tải phải có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực, bằng các giải pháp đồng bộ, phù hợp trước mắt và căn cơ lâu dài trên cả 3 phương diện tổ chức quản lý, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực logistics", GS. TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Bài tham luận của GS.TS Nguyễn Trường Sơn là 1 trong số 40 bài tham luận của các nhà khoa học trên cả nước được trình bày và gửi đến CLSCM-2022. Ngoài một số tham luận về lý luận về chuỗi cung ứng và phát triển chuỗi cung ứng bền vững, đo lường hiệu quả chuỗi cung ứng, các chuyên gia còn tập trung nghiên cứu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau các biến động kinh tế toàn cầu.
Mô hình kinh doanh dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới; ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm phát triển hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng được trình bày tại hội thảo.
Đặc biệt, có nhiều bài tham luận tập trung nghiên cứu về tăng cường hội nhập kinh tế, xây dựng thương hiệu và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngành logistics trong bối cảnh mới. Kinh nghiệm của các nước về chuỗi cung ứng xanh và bài học cho Việt Nam. Giải pháp và chính sách đặc thù hỗ trợ và thúc đẩy phát triển logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm