Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiên Giang: Phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 300.000 ha

DNVN - Ngày 4/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (MB Bank) về việc phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao lên đến 300.000 ha.

Nam A Bank tài trợ xây cầu Cán Gáo tại Kiên Giang / Kiên Giang hợp tác khai thác thủy sản ở Indonesia

12 ngàn tỷ phát triển vùng nguyên liệu

Theo Biên bản thỏa thuận hợp tác, Sở NN&PTNT Kiên Giang sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành thuộc tỉnh để cùng với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng kế hoạch hàng năm và phát triển vùng nguyên liệu lên tới 300.000 ha trên địa bàn tỉnh.

Vùng nguyên liệu này sẽ được cấp mã số vùng trồng, ứng dụng các mô hình sản xuất hiệu quả cao mà Tập đoàn Lộc Trời đang thực hiện như “canh tác không dùng tiền mặt”, “mặt ruộng không dấu chân”, “cơ giới hóa đồng bộ”, “rải vụ trong vụ” để luôn có lúa gạo mới nhất đáp ứng đơn hàng, với quy trình canh tác khoa học theo tiêu chuẩn SRP, sử dụng các giống lúa phù hợp, bộ sản phẩm kết hợp hài hoà giữa 3 yếu tố sinh học - hữu cơ - hóa học và các dịch vụ cơ giới tiên tiến nhằm tạo ra lúa thương phẩm đạt chuẩn của từng thị trường mục tiêu.

Toàn bộ số lúa thu hoạch trong vùng nguyên liệu này sẽ được Lộc Trời cùng các đối tác liên kết của mình hỗ trợ thu mua phục vụ xuất khẩu cho các khách hàng trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ký kết.

MB Bank là đơn vị sẽ cung cấp tín dụng cho tất cả các hoạt động sản xuất tương ứng với diện tích vùng nguyên liệu trong chuỗi giá trị tương ứng với diện tích vùng nguyên liệu với tổng giá trị gói tín dụng lên đến 12 ngàn tỷ đồng thông qua các ứng dụng công nghệ được thiết kế thuận lợi nhất cho bà con nông dân, thông qua các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, đang tham gia liên kết với Lộc Trời và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Gói tín dụng này có thời hạn tới 31/12/2024 và sau đó, các bên sẽ quyết định gia hạn sau khi đánh giá tính hiệu quả hoạt động của toàn chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất tại Kiên Giang, tập đoàn Lộc Trời sẽ nghiên cứu việc xây dựng nhà máy sấy-bóc vỏ lúa hiện đại và cùng với tỉnh, xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong nông nghiệp và nghiên cứu khai thác giá trị của chuỗi kinh tế lúa gạo.

Theo Sở NN&PTNT, Kiên Giang có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích sản xuất chiếm 17,7% diện tích đất nông nghiệp toàn vùng. Diện tích tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh là 550.912 ha (chiếm 86,77% diện tích đất tự nhiên), trong đó diện tích đất trồng lúa theo kế hoạch năm 2022 là 342.670 ha, chiếm 53,97% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (diện tích sản xuất lúa 2 vụ ổn định bình quân khoảng 282.000 ha/vụ, diện tích sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm khoảng 67.000 ha).

Hàng năm diện tích sản xuất lúa của tỉnh trên 700.000 ha, sản lượng lương thực toàn tỉnh bình quân hàng năm khoảng 4,3 - 4,5 triệu tấn, đã góp phần trong việc ổn định sản lượng lúa vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung (là địa phương có sản lượng lúa nhiều nhất và chiếm gần 11% sản lượng cả nước).

"Cánh đồng lớn", hướng đi đúng đắn

Trong những năm qua, Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình dự án theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa của tỉnh, xây dựng quy trình sản xuất an toàn và bền vững như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Kiên Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; dự án “Cánh đồng lớn” đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu,...

Đặc biệt, năm 2021 được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên tỉnh Kiên Giang phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025” quy mô 123.000 ha để cụ thể hóa Đề án phát triển vùng nguyên liệu của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, tỉnh đã và đang thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết xây dựng chuỗi nông sản trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều kế hoạch đã và đang triển khai.

Theo một số doanh nghiệp, mô hình cánh đồng là mô hình tối ưu nhất cho mối liên kết giữa DN và nông dân nhưng hiện nay khó nhân rộng do thiếu vốn.

Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh trong xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ là hướng đi đúng đắn, phù hợp với Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung trọng tâm để phát triển và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nói chung và trong ngành hàng lúa gạo nói riêng”.

Còn theo báo cáo của sở này, hàng năm Tập đoàn Lộc trời triển khai bình quân trên 30.000 ha/năm tại các huyện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Trong vụ lúa Đông Xuân vừa qua, Lộc Trời đã phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện triển khai liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ trên địa bàn tỉnh được 11.253 ha, sản lượng ước khoảng 83.500 tấn, gồm các huyện:Hòn Đất (6.568 ha), Kiên Lương (1.513 ha), Giang Thành (1.343 ha) và một số huyện khác. Cơ cấu giống liên kết sản xuất bao gồm: ĐS1, OM18, Đài Thơm 8, Jasmine 85.

Trong đó, có các hình thức liên kết sản xuất truyền thống và hình thức liên kết sản xuất gắn tiêu thụ bao lợi nhuận với các tiêu chuẩn chất lượng cao đáp ứng thị trường Châu Âu, Mỹ (diện tích 2.507 ha). Bên cạnh đó, Lộc Trời còn triển khai diện tích sản xuất lúa chất lượng cao là 2.507 ha, sản lượng ước khoảng 17.500 tấn lúa phục vụ chế biến gạo xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Mỹ đã góp phần đóng góp tăng giá trị hạt lúa của tỉnh Kiên Giang.

“Dự kiến trong vụ lúa Hè Thu 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tăng cường phối hợp với Công ty CP. Tập đoàn Lộc Trời mở rộng diện tích cánh đồng lớn sản xuất gắn với tiêu thụ (kế hoạch của công ty là 14.170 ha), đặc biệt mở rộng các cánh đồng sản xuất sản xuất lúa đạt chuẩn làm nguyên liệu xuất khẩu gạo sang thị trường các nước Châu Âu, Mỹ... (kế hoạch công ty là 6.500 ha)”, báo cáo nêu.

Dịp này, Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết việc chuyển nhượng quyền sử dụng hai giống lúa OM 18 và OM 5451 cho Trung tâm Giống Nông Lâm Ngư nghiệp Kiên Giang để đơn vị này có thể sản xuất và kinh doanh giống lúa này trên phạm vi tỉnh Kiên Giang.

Đồng thời, Lộc Trời sẽ hỗ trợ Trung tâm Giống trong việc đào tạo, tập huấn các quy trình sản xuất, lưu kho, bảo quản các giống lúa theo đúng tiêu chuẩn của tập đoàn nhằm đảm bảo hạt giống giao tới cho bà con nông dân sẽ luôn đảm bảo tỷ lệ nảy mầm mang đến vụ mùa bội thu với hạt gạo đạt chuẩn như các loại hạt giống do chính Lộc Trời sản xuất và cung cấp cho các vùng nguyên liệu của tập đoàn tại các địa phương khác.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm