Hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng tính cạnh tranh cho dịch vụ logistics miền Trung

Lãnh đạo Sở Công Thương và các doanh nghiệp logistics Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cho rằng, các địa phương cần liên kết tạo thành một khu vực logistics lớn với Đà Nẵng là trung tâm để tăng tính cạnh tranh.

Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2023 ghi dấu ấn khác biệt / Triển khai “hộp đựng FOD” kiểm soát vật thể lạ trên sân bay Đà Nẵng

Khai thác tiềm năng Đà Nẵng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân mới đây đã có buổi làm việc với TP Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để lấy ý kiến đóng góp cho Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đến thăm và làm việc với Cảng Đà Nẵng.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân (ngoài cùng bên trái, áo màu xám) cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đến thăm và làm việc với Cảng Đà Nẵng.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc xây dựng đề án nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, đưa dịch vụ logistics phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, tạo sự kết nối để thông suốt hàng hóa, đưa hàng hóa Việt Nam vươn rộng hơn ra thế giới.

Dự kiến, dự thảo lần 1 của Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 sẽ hoàn thành vào tháng 9/2023. Và tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo lần 2 trong năm 2023, báo cáo Thủ tướng phê duyệt trong năm 2024.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Nghị quyết 43-NQ/TW (ngày 24/1/2019) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, trong thời gian qua TP Đà Nẵng đã phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và hạ tầng giao thông, đặc biệt là lợi thế về cảng biển để phát triển hệ thống dịch vụ logistics, lấy dịch vụ vận tải biển và vận tải kết nối cảng biển làm trụ cột phát triển hệ thống logistics trên địa bàn TP. Từng bước đảm nhận vai trò trung tâm logistics của khu vực, cửa ngõ chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được xác định là ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng của Đà Nẵng. TP đang quyết liệt triển khai công tác xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn về đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm logistics gắn với cảng biển, du lịch, công nghiệp công nghệ cao…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nghe lãnh đạo Cảng Đà Nẵng giới thiệu về cơ sở hạ tầng cảng Tiên Sa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nghe lãnh đạo Cảng Đà Nẵng giới thiệu về cơ sở hạ tầng cảng Tiên Sa.

Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics cũng như đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn TP.

“Các sở ban ngành của TP đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục không cần thiết, cản trở việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Trong đó, có phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng”, ông Hồ Kỳ Minh nói.

Đáng chú ý, ông Hồ Kỳ Minh cho biết thêm, trong dự thảo Quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, dịch vụ logistics là 1 trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của TP. Có 2 nội dung gắn với chiến lược phát triển logistics trong thời gian tới của Đà Nẵng là khu phi thuế quan và khu thương mại tự do.

Chính quyền TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công Thương cần đưa 2 nội dung này vào dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 nhằm phục vụ nhu cầu phát triển logistics rất lớn không chỉ của Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, vấn đề khó mà dịch vụ logistics Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đang gặp phải là nguồn hàng. Ngoài thị trường tại chỗ thì nguồn hàng này phải đến từ Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, kết nối với Ấn Độ… Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có các chính sách, cơ chế vượt trội và tạo ra khu phi thuế quan, trung tâm thương mại tự do thì mới tạo động lực phát triển, tăng tính cạnh tranh cho dịch vụ logistics miền Trung”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với tàu vận tải container đang làm hàng tại cảng Tiên Sa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với tàu vận tải container đang làm hàng tại cảng Tiên Sa.

Liên kết thành khu vực logistics lớn

Trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, lãnh đạo Sở Công Thương và các doanh nghiệp logistics Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cho rằng 3 địa phương cần liên kết tạo thành một khu vực logistics lớn với Đà Nẵng là trung tâm để có thể cạnh tranh với các trung tâm logistics ở hai đầu đất nước.

Trong giai đoạn vừa qua, Đà Nẵng đã phát triển tương đối đầy đủ các loại hình dịch vụ logistics và phát triển tương đối hiệu quả so với các tỉnh khác trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên điều cần quan tâm là chất lượng các dịch vụ logistics tại Đà Nẵng hiện vẫn chưa cao so với nhu cầu thực tế.

TP Đà Nẵng cùng tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam cũng thống nhất đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần có văn bản quy phạm pháp luật về phát triển logistics để thể chế hóa, làm cơ sở cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai…

Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ TN&MT đưa hạ tầng logistics vào danh mục thu hồi đất nhằm tạo điều kiện phát triển logistics, do lẽ trong Luật Đất đai năm 2013 chưa có danh mục về đất logistics cùng như thu hồi đất logistics.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp, mở rộng 70km đường quốc lộ 14D từ bến Giằng đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) để thuận lợi vận chuyển hàng hóa từ Lào, Thái Lan về Đà Nẵng…


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm