Doanh nghiệp - Doanh nhân

Biết 'liệu cơm gắp mắm', doanh nghiệp thực phẩm sẽ thắng

Dù cho “bóng ma” đại dịch Covid-19 còn lảng vảng trong năm 2021 này thì các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước vẫn cho thấy khả năng nhiều “cửa sáng”, thu lãi tốt từ việc tiết giảm chi phí, chủ động nguồn nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Clip: Khám phá trụ sở như phi thuyền của Viettel / Nếu còn sống, Steve Jobs sở hữu khối tài sản bao nhiêu?

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 được một số doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm công bố trong cuối tháng 1/2021 đã cho thấy khả năng thu lợi nhuận “ngoạn mục” của họ như thế nào khi mà nhiều DN ở các lĩnh vực kinh doanh khác còn đang chật vật đối mặt với khó khăn trong kinh doanh.

Thu lãi tốt giữa khó khăn

Điển hình như CTCP Tập đoàn PAN, mới đây, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 cho thấy các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều vượt so với kế hoạch, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 186 tỷ, vượt 23% so với kế hoạch.

HINH-3948-1612169647.jpg

Tiết giảm chi phí sản xuất, tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao giúp một số DN thực phẩm thu lãi tốt giữa khó khăn của dịch Covid-19.

Trong quý 4/2020, doanh thu thuần hợp nhất toàn tập đoàn này đạt 2.546 tỉ đồng, lũy kế cả năm 2020 đạt 8.338 tỉ, tăng 7% so với năm 2019 và vượt 5% kế hoạch. Đóng góp lớn nhất cho doanh thu của PAN là mảng tôm xuất khẩu, với tăng trưởng 20% về doanh số, cao nhất toàn ngành tôm.

Cụ thể, CTCP thực phẩm Sao Ta (Fimex VN, đơn vị thành viên của PAN) với hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu đã mang lại doanh thu năm 2020 lên mức kỷ lục là 4.415 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2019).

Có được kết quả như vậy, theo đánh giá, là do DN chế biến tôm xuất khẩu này đã có những bước đi rất vững chắc khi chủ động mở rộng vùng nuôi tôm, đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh, linh hoạt trong chiến lược thị trường, định vị thương hiệu và nâng cao giá trị cho mặt hàng thực phẩm tôm Việt.

Về lợi nhuận hợp nhất, cả năm 2020 của PAN đạt 329,7 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19 gây ra. Riêng lợi nhuận cổ đông công ty mẹ cả năm đạt 186 tỉ, vượt kế hoạch 23% do một số mảng đạt cao hơn kế hoạch như tôm xuất khẩu; hạt, phân phối, giống và nông sản thực phẩm, nông dược và khử trùng.

Hoặc như CTCP GTNfoods, trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2020 mới công bố cho thấy khoản lãi sau thuế đạt 75,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 55,7 tỷ trong quý 4/2019.

 

Điều này được lý giải do khi lợi nhuận của CTCP Sữa Mộc Châu (công ty con của GTNfoods) có mức tăng tốt sau khi thay đổi các chính sách với nhà phân phối, giá bán sản phẩm cũng như tối ưu hóa các chi phí bán hàng, quản lý và tái cơ cấu hệ thống bán hàng.

Và nhờ tiết giảm chi phí giá vốn trong bối cảnh đầy khó khăn như dịch Covid-19, nhưng tính luỹ kế năm 2020, GTNfoods ghi nhận lợi nhuận sau thuế 251,2 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 6,7 tỷ đồng năm 2019.

Hay như CTCP Vinacafe Biên Hòa với thế mạnh về chế biến cà phê hoà tan, nhờ chi phí giá vốn giảm, doanh thu tài chính tăng, và các chi phí khác được tiết giảm, nên trong báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố cho thấy luỹ kế năm 2020 báo lãi sau thuế gần 721 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2109.

Giảm chi phí, chủ động nguyên liệu

Có thể thấy, ở những DN trong ngành chế biến nông sản thực phẩm vừa kể trên thì mang lại doanh thu, lợi nhuận cho họ đến từ những mảng sản xuất chủ lực có giá trị kinh tế lớn (như tôm xuất khẩu, sản phẩm sữa, cà phê hoà tan…).

 

Và điều đáng ghi nhận hơn nữa là trước thách thức lớn từ dịch Covid-19 thì những DN này đã biết cách để tháo gỡ khó khăn, có năng lực sản xuất tối ưu, kết hợp các biện pháp tiết giảm chi phí đã giúp gia tăng lợi nhuận. Hơn thế nữa, đó là sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng của các DN này đã được thị trường đón nhận rộng rãi ở trong và ngoài nước.

Từ đó, dù cho “bóng ma” Covid-19 vẫn còn lảng vảng trong năm 2021, nhưng với khả năng chống chịu tốt thì tin rằng, những DN thực phẩm vẫn sẽ tiếp tục khẳng định được nội lực của mình để tiếp tục mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt như kế hoạch đề ra trong năm nay.

Những dự báo của các nhà phân tích thị trường thực phẩm cho thấy năm 2021 sẽ vẫn là năm có nhiều cơ hội “sáng sủa” với các DN trong ngành chế biến thực phẩm so với bối cảnh phục hồi chậm của DN ở các lĩnh vực khác vì ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất vẫn là “phép thử” để các DN thực phẩm cần vượt qua nhằm nâng sức cạnh tranh. Như dự báo của Tổng cục Thống kê, chi phí sản xuất của ngành chế biến thực phẩm trong quý 1/2021 sẽ tăng 24,7% so với quý 4/2020. Ngay như giá bán sụt giảm cũng là thách thức cho các DN khi ngành chế biến thực phẩm được dự báo có giá bán trong quý I/2021 sẽ giảm 10,6% so với quý 4/2020.

Ngoài ra, ngành chế biến thực phẩm sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với rủi ro nguyên liệu đầu vào có thể bị gián đoạn trong năm nay nếu như dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

 

Chiêm nghiệm những thời điểm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu hồi năm rồi, giới chuyên gia cho rằng những DN nào trong ngành chế biến thực phẩm biết cách chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế thì hoạt động sản xuất sẽ không bị đứt quãng, tính cạnh tranh sẽ cao hơn.

Mặt khác, những DN thực phẩm nào biết cách vừa tiết giảm chi phí vừa điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn, sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng những nguyên liệu là thế mạnh ở trong nước thì khả năng tăng trưởng trong năm 2021 sẽ nằm trong tầm tay.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm