Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cộng đồng doanh nghiệp đối diện 4 nhóm khó khăn

DNVN - Sức mua thị trường suy giảm, áp lực chi phí cao, vướng mắc về rào cản pháp lý, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững được coi là 4 nhóm khăn nổi cộm mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt, cần được Nhà nước hỗ trợ, tiếp sức nhiều hơn.

Nhôm Đắk Nông là nhà tài trợ vàng hội thao – tiếng hát doanh nhân Đắk Nông / Doanh nghiệp Việt Nam cam kết đồng hành cùng Cuba hướng tới tương lai

DN chủ động thích ứng với bối cảnh mới

Tại buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều 11/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng,trong 9 tháng đầu năm, kinh tế đất nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong tình hình bức tranh chung của kinh tế thế giới.

Số doanh nghiệp (DN) gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính chung 9 tháng đầu năm, có 165.000 DN, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.

Điều đáng ghi nhận đó là trong bối cảnh hết sức khó khăn xuất hiện nhiều tấm gương, DN tiêu biểu chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.


Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Một số tập đoàn, DN lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen như: FPT, Viettel, PVN, hay Tập đoàn Green Solutions với dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market.

Ngoài ra, nhiều DN khu vực tư nhân đã tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn. Qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.

4 nhóm khó khăn nổi cộm

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nêu trên, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cộng đồng DN vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.

Những khó khăn của DN tập trung vào 4 nhóm vấn đề nổi cộm.

Thứ nhất, sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm

Khảo sát DN ngành sản xuất vào tháng 6/2023 của Navigos cho thấy hơn 50% DN ghi nhận sụt giảm từ 10-40% tổng doanh thu, trong đó 44% DN ngành dệt may/da giày và 35% ngành sản xuất vật liệu xây dựng sụt giảm từ 20-40% doanh thu.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và phản ánh từ các hiệp hội, mặc dù một số DN đã bắt đầu nhận được đơn hàng mới trong quý III, nhiều DN thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng.


Khó khăn, thách thức với DN dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.

Thứ hai, áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, các DN trong ngành gặp nhiều khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong khi hầu hết các công ty xuất khẩu bị ép giảm giá bán từ 30-40% so với trước.

Các DN tiếp tục phản ánh khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các gói tín dụng. Lý do là các điều kiện, thủ tục phức tạp, lo ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra.

Thứ ba, vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Một số vướng mắc đã được cộng đồng DN phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của DN.

Thứ tư,xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước tạo áp lực lớn về chi phí tuân thủ, gây khó khăn cho DN xuất khẩu.

Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn

Trước những khó khăn này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất, gợi mở một số định hướng và giải pháp.

Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được DN phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành... Cần vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" đối với các những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, không ban hành điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, toàn hệ thống cần nhất quán trong việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước

Thứ ba, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng DN về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại DN, hỗ trợ DN giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích DN ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Với cộng đồng DN, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khuyến nghị, cần trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tìm kiếm các giải pháp, hướng đi. Cùng đó phải mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.


Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm