Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp đã 'hái trái ngọt' từ FTA?

Với các doanh nghiệp lớn - vốn đã xuất khẩu hàng hóa sang những thị trường như EU, CPTPP... thì tận dụng cơ hội từ FTA nằm trong "lòng bàn tay". Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp dường như đang đứng ngoài "sân chơi" FTA do chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ thị trường khó tính.

Bỏ tiền vào Bitcoin chỉ 2 tháng, Tesla đã lãi hơn cả một năm bán xe / Vốn hóa Apple có thể đạt 3.000 tỷ USD

Chia sẻ về cơ hội tại thị trường EU, một doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) lớn trong ngành trái cây cho rằng, sở dĩ họ tận dụng tốt cơ hội vì đã có sự chuẩn bị về nền tảng ban đầu như quy trình, chất lượng, mẫu mã ra sao để đáp ứng thị hiếu của người dùng châu Âu. Tất nhiên, nền tảng mà DN này đề cập thì không phải DN nào cũng làm được.

Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ

Hay như, Canada là thị trường rất tiềm năng với dân số 37 triệu người và có xu hướng nhập khẩu cao. Dân số Canada chỉ bằng 1/10 Mỹ nhưng mức độ nhập khẩu trên đầu người lại gấp đôi. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP)được xem là "đòn bẩy" để Việt Nam XK sang Canada, nhưng bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), đánh giá những cơ hội này vẫn chưa được tận dụng hết, dù CPTPP đã có hiệu lực hơn 2 năm qua.

tan-dung-FTA-1513-1616573091.jpg

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng ngoài 'sân chơi' FTA (Ảnh minh họa: Int)

Theo một khảo sát gần đây của VCCI, tỷ lệ DN tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP tại thị trường XK trong khối là 1,67%, con số này ở Canada là 8,03% so với trung bình các FTA 37,2%, rõ ràng là rất khiêm tốn.Đặc biệt, có 45% DN được hỏi trả lời không biết gì về ưu đãi thuế quan CPTPP; 25% DN biết tương đối về CPTPP; trong khi tỷ lệ biết sơ qua, có nghe nói đến chiếm tới 69%.

Thực tế này cũng từng được ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nêu ra. Cụ thể, ông kể: "Tôi nói chuyện với một DN chuyên XK hàng dệt kim sang Mỹ. Được biết, DN này XK 2 container hàng dệt may sang Mỹ mỗi năm, thu về 100.000 USD. Tuy nhiên, khi hỏi vì sao không XK sang Canada - nước láng giềng với Mỹ, rất bất ngờ, DN bảo rằng XK được sang Mỹ là đủ rồi!".

"Tại sao DN không nghĩ rộng ra, cố gắng thêm một chút để tận dụng cơ hội từ CPTPP mang tới. Nếu tận dụng được, có thể giá trị XK mà DN thu về tăng lên gấp 3-4 lần, thậm chí 10 lần", ông Khanh nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng nhiều lần bày tỏ, dường như nhiều DN đang "say mê" quá nhiều theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà quên mất CPTPP cũng là FTA mang lại nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, ngay cả với EVFTA, việc tận dụng ưu đãi của DN dù được đánh giá là rất tích cực, nhưng kết quả vẫn chưa thật sự như kỳ vọng khi Hiệp định này có hiệu lực hơn nửa năm qua.

 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, do thời tiết, sản xuất rau quả của các nước Bắc Âu rất hạn chế, trên 90% hoa quả và 40% rau phải nhập khẩu.Chuối và các hoa quả nhiệt đới phải nhập khẩu từ các nước đang phát triển quanh năm.Tuy nhiên, XK rau quả của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu là không đáng kể.Ngoài vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe thì địa lý xa xôi và Việt Nam chưa có chuyến bay thẳng đến khu vực Bắc Âu là một khó khăn không nhỏ trong việc XK rau quả tươi sang thị trường này.

Dẫn chứng từ thị trường Pháp, theo thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, trong 11 tháng năm 2020, XK sang Pháp suy yếu rõ rệt, chỉ đạt 3,06 tỷ USD, giảm tới 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch XK qua hầu hết các tháng đều sụt giảm. Đáng chú ý, cho dù Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 và XK sang Pháp được hỗ trợ bởi các cam kết được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA, tuy nhiên kim ngạch XK hàng hóa sang thị trường này từ tháng 8 - 11/2020 vẫn giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,16 tỷ USD.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu sụt giảm mạnh, tuy nhiên cũng phần nào cũng cho thấy việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ nét.Hiện, Việt Nam là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 20 của Pháp và tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này còn khá thấp, chỉ chiếm khoảng 1,1% trên tổng nhập khẩu của Pháp.

Doanh nghiệp thay đổi vì thị trường

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc CTCP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam, muốn chinh phục được thị trường thì mình phải bán thứ thị trường cần, thay vì thứ mà mình có. Kinh doanh nông nghiệp đã khó nhưng làm nông sản XK thì còn khó hơn rất nhiều.

 

Bà Huyền cho biết, Công ty đang sở hữu 4.000 ha quế và hồi đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ quốc tế để XK sang Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc truy xuất nguồn gốc là rất quan trọng để XK sang EU.

Muốn XK sang các thị trường lớn như EU thì phải nâng cao trách nhiệm DN trong từng khâu. "Chúng tôi làm chứng nhận hữu cơ, sau đó thấy khách hàng cần giá trị mà sản phẩm mang lại là trách nhiệm xã hội thì DN cũng phải thay đổi. DN phải kinh doanh và hướng đến hoạt động xã hội như đào tạo nâng cao trình độ sản xuất cho bà con nông dân, hỗ trợ giống, vật tư nông nông nghiệp... Trong từng khâu sản xuất, hạn chế tối đa thải rác ra môi trường. Tất cả những vấn đề này không phải là trách nhiệm của DN mà là yêu cầu của thị trường, khách hàng lớn trên thế giới", bà Huyền chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Huyền cũng cho rằng, DN vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Hiện, Công ty đang dự kiến xây thêm 2 nhà máy ở Lào Cai và Lạng Sơn. Tuy nhiên, việc xin giấy chứng nhận phê duyệt dự án để đầu tư xây dựng mất nhiều thời gian do quy trình phức tạp.

Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, hiện chưa có đánh giá đầy đủ nào về việc tận dụng FTA từ các góc độ như cải cách thể chế hay cơ cấu lại các ngành kinh tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu... Dường như chúng ta mới chỉ thực hiện FTA ở mức như cam kết yêu cầu. Chúng ta chưa hoặc ít có hành động đi xa hơn cam kết, ví dụ chủ động thay đổi, cải cách, tập trung, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, các ngành và của cả nền kinh tế để tạo sức bật trong tận dụng cơ hội từ FTA.

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho rằng, để tận dụng tốt các FTA thì DN phải chủ động nâng cấp mình về hiểu biết thị trường hay các cam kết và điều kiện ưu đãi, về năng lực cạnh tranh trong mọi khía cạnh. Nhà nước cũng phải vượt lên chính mình, thực hiện các cải cách thể chế không phải vì FTA đòi hỏi, phải chủ động và thực tế trong hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm