Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp "ngại" đổi mới công nghệ, năng lực tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế

DNVN - TS. Cấn Văn Lực- chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Doanh nghiệp còn "ngại" đổi mới công nghệ, năng lực tham gia chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế...

Tiên phong bảo vệ môi trường, luật sư Phạm Hồng Điệp được Liên minh Kỷ lục Thế giới vinh danh / Tựa game Việt duy nhất xuất hiện tại Tokyo Game Show 2022

Nhiều thách thức
Tại tọa đàm "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Tính đến 31/12/2021, Việt Nam đã có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.
Bên cạnh đó, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia. Vẫn còn tình trạng một số doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hoá truyền thống và cả quy định pháp luật.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức từ cuộc CMCN 4.0, đại dịch COVID-19, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng…
Nói rõ hơn về những thách thức này, ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Với các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, tính độc lập, tự chủ Việt Nam mất nhiều hơn trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật thực thi cam kết, nhất là chủ quyền kinh tế, công đoàn độc lập cũng như các xử lý tranh chấp khác.
Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn hiện hữu. Trong khi việc gia nhập một số chuỗi cung ứng, nhất là công nghiệp hỗ trợ giảm, thì rủi ro công nghệ tăng, vòng đời sản phẩm ngắn lại, cục diện chuỗi trong khu vực phần lớn đã định hình.

Lê Xuân sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Các công cụ chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp có dư địa ngày càng cạn kiệt, trong khi cả năng lực Nhà nước lẫn doanh nghiệp trong nước còn yếu kém. Bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ quá nghiêm ngặt, quá lâu khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận, chuyển giao công nghệ, dễ bị khiếu kiện, tranh chấp đầu tư.
Ngoài ra, việc thực thi các yếu cầu về môi trường, lao động trong ngắn và trung hạn có thể làm mất lợi thế so sánh, nhạy cảm do dễ bị tranh chấp.
Nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế của đội ngũ doanh nhân, TS. Cấn Văn Lực- chuyên gia kinh tế trưởng BIDVcho rằng, trình độ học vấn của doanh nhân Việt Nam ở mức trung bình, ngoại ngữ rất hạn chế; thiếu tác phong kinh doanh chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm thương trường quốc tế; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Chỉ có một số ít là đủ vững mạnh để điều hành doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn lớn, các tổng công ty, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực...
Doanh nghiệp còn “ngại” đổi mới công nghệ, theo đuổi và phát triển công nghệ - kỹ thuật riêng, dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia chủ yếu ở công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng thấp.
Sự đoàn kết, ý thức hợp tác cùng phát triến giữa các doanh nhân chưa cao, chưa liên kết thành hệ sinh thái ngành để cùng cộng sinh khi vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Quản trị công ty của các DN Việt chưa có nhiều cải tiến rõ nét (đạt 52,69 điểm theo Kết quả đánh giá của Ban tổ chức cuộc bình chọn DN niêm yết 2021); thua xa mức điểm bình quân khoảng 70-75 điểm của DN Thái Lan.
Vẫn còn một bộ phận doanh nhân làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh; thiếu trách nhiệm với xã hội và người lao động; nợ bảo hiểm xã hội, không chú ý đến an toàn toàn lao động, bảo vệ môi trường…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Theo TS. Cấn Văn Lực, bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế và của DN đối với các cú sốc bên ngoài.
Quốc Hội, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục hoàn thiện, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp. Sớm có giải pháp quyết liệt, chấm dứt tình trạng ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi cho một loại hình doanh nghiệp; lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu. Yêu cầu các DN, kể cả DN chưa niêm yết, áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp được ban hành bởi OECD, tiến tới bắt buộc thực hiện.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp để trở thành một lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình quản trị, phương thức điều hành. Chú trọng công tác R&D, hoạt động đầu tư nghiên cứu, phân tích và dự báo nhằm chủ động thích ứng với các thay đổi bên ngoài.
Chú trọng công tác kế hoạch – chiến lược, quản lý rủi ro, quản lý kinh doanh liên tục, tăng khả năng thích ứng và chống chịu.
Cùng với đó, cần chú trọng phát triển kinh doanh xanh, kinh doanh tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng. Chủ động, tích cực đóng góp các ý kiến, đề xuất về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị, các DN, nhất là DN xuất nhập khẩu phải có tầm nhìn toàn cầu để đáp ứng với tiến trình hội nhập, môi trường kinh doanh biến đổi rất nhanh hiện nay.
Cần nỗ lực trở thành một mắt xích của chuỗi liên kết giá trị, chuỗi sản xuất để bắt kịp các xu hướng hội nhập, sản xuất, quản lý, công nghệ,.. và là “người chơi” trong các “cuộc chơi” trong nước, khu vực và toàn cầu.
Để nắm bắt được các cơ hội, đối phó được những thách thức và là một mắt xích, DN cần sớm chủ động và tích cực hơn trong việc nâng cao năng lực, gia tăng sức cạnh tranh; không chủ quan, thụ động và tránh “nước đến chân rồi mới nhảy”.
Từng DN cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh động của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm