Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp tự làm mới mình để thu hút người tiêu dùng

Khi người tiêu dùng cẩn trọng hơn với túi tiền của mình dưới thời COVID-19, để “thôi thúc” họ chi tiêu thì việc doanh nghiệp tự làm mới mình từ mô hình kinh doanh, chuỗi liên kết cho đến giá trị hấp dẫn của các sản phẩm mới... là điều cần làm cho năm 2022 sắp tới.

Giá trị vốn hóa của Apple đạt gần 3.000 tỷ USD / Sao Thái Dương vinh dự nhận Bằng khen của Hội Đông y Việt Nam

Bàn về câu chuyện kinh doanh trong năm 2022 sắp đến, ông Đỗ Hoà, Chủ tịch Group Quản lý Doanh nghiệp, lưu ý những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, cùng tác động đại dịch COVID-19, làm cho thị trường biến động rất mạnh, rất kịch tính.

Tính toán cho đầu ra

Điều này dẫn đến việc tính toán khôi phục kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) là một thách thức lớn. Bởi vì thị trường không ổn định, kể cả trong nước lẫn ngoài nước.

HINH-9813-1640167383.jpg

Để “thôi thúc” người tiêu dùng chi tiêu dưới thời COVID-19đang đòi hỏi các DNcó những cách làm mới, thích nghi xu thế mới.

Khó khăn hơn nữa là các DN đã mất hết 2 năm trong “cú sốc” đại dịch với nhiều thiệt hại về tiền của. Theo ông Hoà, các DN đang làm ra sản phẩm với chi phí đắt đỏ dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn. Họ sợ với giá cao như thế thì liệu thị trường có chấp nhận hay không trong điều kiện kinh tế khó khăn, sức mua đang giảm sút?

Và cũng không loại trừ cả chuyện tái bùng phát dịch bệnh ở cấp độ cao, dẫn đến giá cả một số mặt hàng có thể rớt xuống thì với những sản phẩm có giá thành sản xuất cao sẽ khó tiêu thụ.

“Đó là những vấn đề mà các DN trong giai đoạn này phải tính toán nhằm tìm đầu ra và sự ổn định cho thị trường. Bây giờ ứng phó như thế nào, tôi cho rằng bài toán này đặt ra quá là khó”, ông Hoà nói.

Bởi lẽ, có những yếu tố mà DN không thể kiểm soát được, nhất là trong bối cảnh như hiện tại. Tuy nhiên, điều bắt buộc là các DN phải tìm cách phải thích nghi, không thể “ngồi không”.

Ở góc độ của một nhà tư vấn quản lý DN, ông Hoà nhấn mạnh vấn đề quan trọng là các DN cần thay đổi mô hình kinh doanh. Theo đó, có những mô hình ở giai đoạn thăm dò thị trường, hoặc có mô hình nằm ở giai đoạn mở rộng thị trường, và cũng có mô hình nằm ở giai đoạn củng cố thị trường hoặc là tối giản. Và tuỳ từng giai đoạn mà các DN có thể áp dụng các mô hình khác nhau.

Ngay cả việc DN tự làm mới mình và tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ để “thôi thúc” người tiêu dùng chi tiêu trong lúc này cũng được đánh giá cao. Giới chuyên gia cho rằng để thúc đẩy chuyện mua sắm hàng hoá thì các DN nên có những sản phẩm mới mang đến một nhu cầu giá trị cao hơn nhằm tái định vị cạnh tranh.

Trong vấn đề này có thể nhìn vào câu chuyện thành công về mặt xuất khẩu nông sản thực phẩm của CTCP Pacific Foods khi có sản phẩm nước mắm từng đạt Top 1 Best Seller trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu Amazon.

Không dừng ở thành công trên, việc “làm mới” chính mình thông qua mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tiếp thị, chăm sóc người mua… là hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới. Đơn cử là vào ngày 22/12 DN này đã ký kết với 14 đối tác chiến lược hàng đầu trong các lĩnh vực dịch vụ thương mại, vận chuyển, ngân hàng, du lịch, ẩm thực, giải pháp năng lượng sạch, giáo dục, truyền thông…

Hóa giải “bài toán” giảm chi tiêu

Bên cạnh đó, nhà xuất khẩu qua sàn TMĐT toàn cầu nêu trên mới cho ra mắt các sản phẩm mới là đồ uống giải khát có tính chất “bắt trend (xu hướng thịnh hành) với nguồn nguyên liệu làm từ các loại thảo mộc quý của dân gian Việt Nam. Điểm ấn tượng là các sản phẩm mới được sản xuất bằng công nghệ sản xuất đồ uống hiện đại từ Mỹ, với mục tiêu thành các dòng sản phẩm bán chạy trên thị trường Việt.

Cách làm như vậy rất đáng để các DN Việt tham khảo nhằm có những thay đổi chú trọng vào yếu tố “mới” để vừa thích nghi với xu thế mới trong năm tới, cũng như thu hút sức mua của người tiêu dùng tốt hơn. Nhất là trong giai đoạn này tâm lý người tiêu dùng đang hướng tới những sản phẩm gần gũi thiên nhiên, giúp đảm bảo sức khoẻ, và kể cả sự thận trọng trong chi tiêu do nhận thức rằng tình hình bình thường mới vẫn còn nhiều bất định.

Trong chuyện “làm mới” DN và “thôi thúc” người tiêu dùng chi tiêu giữa lúc “sống chung” với đại dịch, Ts. Seng Kiat Kok, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp của đại học RMIT, có dẫn lại báo cáo năm 2021 của Deloitte và có đưa ra so sánh với năm 2019, có thêm 30% người được khảo sát cho biết họ đang tìm cách giảm chi tiêu.

Ts. Kok khuyến cáo rằng trước xu hướng này thì “DN ở Việt Nam cần điều hướng quá trình phục hồi một cách cẩn thận”.

Ông Kok nói: “Xu hướng dài hạn cho thấy người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn với túi tiền của mình. Không chỉ cần đem lại giá trị gia tăng tốt hơn, mà dịch vụ và sản phẩm giờ đây còn phải hấp dẫn hơn nữa để thôi thúc người tiêu dùng chi tiêu”.

Theo lưu ý của Ts. Kok, xu hướng người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hiểu biết và chọn lọc hơn. Khi cuộc sống ngày càng sung túc hơn thì giá cả sẽ không còn là tiêu chí quan trọng như trước nữa mà thay vào đó, các thuộc tính về chất lượng mới trở thành yếu tố đáng cân nhắc.

Tuy vậy, theo kết quả nghiên cứu của Passport, Đông Nam Á được dự báo tiếp tục là thị trường tiêu dùng lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 2021-2040 sắp tới, chủ yếu là do đô thị hóa cao và kinh tế phát triển. Với việc các đô thị lớn ở Việt Nam đang mở rộng và đẩy cao mức chi tiêu của người tiêu dùng, có thể tin rằng có nhiều cơ hội lớn để tăng trưởng và phục hồi.

Chuyên gia RMIT đưa ra lời khuyên: “Tương tự như tâm lý của người tiêu dùng, DN nên có cách tiếp cận thận trọng trong tương lai hậu COVID-19. Đây không chỉ là cách tiếp cận cân bằng và thấu đáo để hướng tới thành công, mà còn là định hướng tư duy phù hợp cho năm 2022”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm