Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Việt Nam hãy lắng nghe “Tổ quốc gọi tên mình”

DNVN - “Chống dịch như chống giặc”, lời hiệu triệu của Chính phủ đã và đang thôi thúc mạnh mẽ cả dân tộc đồng lòng vượt qua và chiến thắng “giặc bệnh Covid-19, trong đó có phần đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân - những người đang giữ vững động lực quan trọng phát triển kinh tế. Hãy lắng nghe “tổ quốc gọi tên mình”!

Dịch COVID-19 "thổi bay" 444 tỷ USD tài sản của các tỷ phú / Tỷ phú nào mất nhiều tiền nhất trong đợt bán tháo cổ phiếu do Covid-19?

Ngày 27/12/2019, tại thủ đô Delhi, Ấn Độ, Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã được Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University - WRU) vinh danh là Tiến sỹ danh dự vì có những đóng góp lớn cho cộng đồng xã hội.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.

Trước đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang cùng cả nước chung tay hướng về những người đang ở “tuyến đầu của trận chiến” phòng, chống “giặc bệnh Covid-19”.

Nhân dịp này, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa về sự đóng góp của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, đồng thời truyền thông điệp hãy lắng nghe "Tổ quốc gọi tên mình" trong bối cảnh đối mặt với đại dịch Covid-19:

Những ngày gần đây, câu chuyện cảm động về cụ bà Lê Thị Niệm 78 tuổi, là người có công với cách mạng, chồng là liệt sĩ ở thôn Côn Sơn, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã tự đạp xe đến trụ sở UBND xã để đóng góp ủng hộ số tiền 1 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 kèm theo một bức thư với nội dung chia sẻ:

“Trong chiến tranh, chồng, em và chị của tôi đã hy sinh. Trong hòa bình năm 1983, 1984, Nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình tôi cũng đã tình nguyện bán thóc mua công trái. Ngày nay dịch lại đến, tôi tuy đã già rồi không làm được gì, nay con cháu cho tôi ít quà, tôi lại cống hiến cho Nhà nước số tiền là 1.000.000 đồng (01 triệu đồng). Tuy chưa nhiều nhưng tấm lòng của tôi, mong được ban lãnh đạo các cấp nhận cho tôi”.

Từ câu chuyện của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô

Đất nước Việt Nam đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính trong những thời khắc dân tộc đứng trước những mất mát, đau thương, ngàn cân treo sợi tóc lại viết nên những câu chuyện nhân văn về sự hy sinh của các tầng lớp doanh nhân - nhà tư sản yêu nước nổi bật. Họ không chỉ có tấm lòng thiện lương với nhân dân mà còn có cả sự kiên trung với Tổ quốc, đã không màng danh lợi sẵn sàng hy sinh gia sản lớn đi theo cách mạng, cống hiến cơ nghiệp cùng dân tộc trải qua những đau thương, mất mát, khó khăn và cả những vinh quang của lịch sử để góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.

Đó là câu chuyện về vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - nhà tư sản giàu có bậc nhất Hà Thành giữa thế kỷ XX, đã thể hiện tấm lòng yêu nước bằng việc đem hết công sức, tài sản 5.147 lượng vàng (chiếm hơn 90% số tiền buôn vải, gấp đôi ngân khố Chính phủ bấy giờ) ủng hộ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam với một suy nghĩ đơn giản là: Phải giữ được chính quyền non trẻ này thì đất nước mới giữ được độc lập, mới có tự do. Muốn vậy thì phải có tiền để lo nhiều chuyện.

Hay như tấm lòng sắt son của vợ chồng doanh nhân Đỗ Đình Thiện và Trịnh Thị Điền. Không chỉ là nhà hoạt động cách mạng dũng cảm, là doanh nhân tài ba, sẵn sàng vào sinh ra tử, quyết một lòng kiên trung với Cụ Hồ, mà vợ chồng doanh nhân Đỗ Đình Thiện còn sẵn sàng hy sinh cả sự nghiệp, trí tuệ đóng góp không một chút do dự vào “Quỹ Độc lập” cho Mặt trận Việt Minh giai đoạn 1930-1954 với số tiền 10 vạn đồng Đông Dương, 100 lạng vàng trong “Tuần lễ vàng” (trong khi cả nước lúc bấy giờ mới quyên góp được 300 lạng vàng).

Đến câu hỏi ta sẽ làm gì để đất nước vượt qua khó khăn?

Thực tiễn cho thấy, Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm, coi trọng đặc biệt đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, xem doanh nghiệp là động lực quan trọng phát triển kinh tế của đất nước. Với thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có các giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tư duy, cách thức làm việc trong các bộ, ngành với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng đã được nêu trong hàng loạt nghị quyết quan trọng mà Chính phủ ban hành... Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều chỉ thị, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ những vấn đề vĩ mô cho tới từng vụ việc cụ thể, để “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, “đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”.


Rất nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm...

Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, một lần nữa người dân, doanh nghiệp lại được thấy một Chính phủ kiến tạo, nhân văn và hành động vì nhân dân, vì doanh nghiệp. Hàng loạt các chỉ đạo điều hành, thậm chí cả mệnh lệnh quyết liệt thôi thúc cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm kêu gọi cả nước chung tay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua mọi khó khăn trước mắt, tích cực tham gia công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Đáp lại lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ và Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong thời gian qua, thật cảm động khi có những cụ già dành một phần tiền lương hưu, tiền tích cóp trong nhiều năm; các em nhỏ dành tiền tiết kiệm chi tiêu, tiền mừng tuổi trong dịp Tết… để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng người đi đường, người nghèo tại khu dân cư. Chúng ta cảm phục nhiều người dân, doanh nghiệp phát tâm quyên góp ủng hộ đóng góp theo khả năng của mình, đưa những chuyến xe chở sữa, bánh chưng, mì tôm, hoa quả… đến tặng các bệnh viện, với mong muốn tiếp sức, giúp các thầy thuốc và bệnh nhân tăng cường sức khỏe, khả năng miễn dịch để chiến đấu với dịch bệnh.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có thương hiệu lớn, doanh nhân thành đạt đã thể hiện tình cảm sâu sắc và trách nhiệm ủng hộ hàng trăm tỷ đồng để đồng hành cùng Đảng, Chính phủ và ngành y tế có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.

Tuy nhiên, số tiền ủng hộ trên 500 tỷ đồng được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trực tiếp ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua UBTƯ MTTQ Việt Nam thời gian qua so với lực lượng hơn 750.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh của Việt Nam, thì mức ủng hộ còn khá khiêm tốn.

Sức mạnh đoàn kết - “chiếc lá chắn kháng khuẩn” mạnh mẽ nhất

Dẫu biết rằng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang ngổn ngang nhiều nỗi lo, khó khăn cả về kinh tế lẫn tinh thần, nhưng trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện đến tình hình KT-XH, QP-AN và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc, mỗi doanh nhân cần tiếp tục đoàn kết, hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ và lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ một phần nhỏ nguồn lực an sinh xã hội của đơn vị mình để chia sẻ gánh nặng với Đảng, Chính phủ cùng chiến đấu và chiến thắng “giặc dịch”. Làm được điều này không chỉ thể hiện nghĩa vụ với cộng đồng xã hội mà còn là trách nhiệm với chính bản thân doanh nghiệp, người thân và gia đình mình.


....hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam.

Bởi lẽ Việt Nam chúng ta an toàn, đẩy lùi dịch bệnh đồng nghĩa doanh nghiệp, doanh nhân an toàn và nền kinh tế mới ổn định phát triển bền vững. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân chúng ta cùng nhau phát huy tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Ngoài sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch từ bản thân, gia đình và nội bộ doanh nghiệp, việc ủng hộ có thể không nhất thiết phải bằng tài chính và ủng hộ nhiều tiền, các doanh nhân có thể ủng hộ bằng vật chất, hiện vật có giá trị tương đương, miễn là phục vụ thiết thực và tốt nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Có như vậy, công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam mới tạo thành sức mạnh đoàn kết, là “chiếc lá chắn kháng khuẩn” mạnh mẽ nhất giúp chúng ta quyết chiến và chiến thắng dịch bệnh, sớm đưa nền kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển thịnh vượng.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam,
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm