Doanh nghiệp - Doanh nhân

Logistics - 'Cơn đau đầu' của doanh nghiệp khi COVID-19 ập đến

Phí logistics vận chuyển trong nước tăng cao nhưng lo lắng hơn cả là khâu vận chuyển hàng hóa bị đứt gãy - nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Có thể nói, cụm từ logistics đang là "cơn đau đầu" của đa phần doanh nghiệp dưới tác động của dịch COVID-19.

Người lao động phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh do tác động bởi COVID-19 / Chỉ 2% người lao động mất việc tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến hoạt động logistics bị gián đoạn, khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Hàng hóa, nhu yếu phẩm trong nội đô thì thiếu, trong khi tại vùng sản xuất trồng trọt, tại nhà máy chế biến thì dư thừa, không tiêu thụ kịp. Hàng xuất khẩu không đưa được ra cửa khẩu để xuất cảng, hàng nhập khẩu thì ùn ứ ở cửa khẩu nhập...

Muôn hình vạn trạng khó khăn

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam (TP.HCM) - đơn vị chuyên nhập khẩu phân bón, cho biết kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì việc vận chuyển hàng hóa đã rất khó khăn. Các nhà nhập khẩu đang chịu nhiều rất nhiều chi phí, các kho của doanh nghiệp bị đóng cửa. Mỗi ngày trôi qua, 1 container lưu trữ tại cảng, doanh nghiệp phải trả phí tới cả triệu đồng, là mức phí "quá kinh khủng".

van-chuyen-hang-hoa-5939-1631092034.jpg

Vấn đề lưu thông nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa thành phẩm hết sức khó khăn ngay trên lãnh thổ Việt Nam.

"Làm sao phải có giải pháp "tháo khoán" được vận chuyển hàng hóa, để cà phê, lúa gạo có thể xuất khẩu, vật tư sản xuất cũng có thể được nhập khẩu về một cách thuận lợi. Đây là vấn đề mà cơ quan nhà nước có thể làm được", ông Sơn chia sẻ.

Ở TP. Hà Nội, những ngày gần đây, chị Q., chủ một cơ sở bán lẻ thực phẩm liên tục cập nhật những thông tin cho khách hàng về hoạt động vận chuyển do những vướng mắc liên quan tớigiấy đi đường. Tới tối ngày 7/9, cơ sở này cho biết vẫn chưa có giấy đi đường, những tưởng phải dừng hoạt động một phần hệ thống thì lại nhận được thông tin là TP. Hà Nội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đi đường cũ.

Tuy vậy, chị Q. phàn nàn, những thay đổi "chóng mặt" của TP. Hà Nội đã khiến kế hoạch của doanh nghiệp bị đảo lộn liên tục. Trước đó, cơ sở kinh doanh của chị đã quyết định xả hàng, bán giảm giá do shipper không có được giấy đi đường. Đến nay, đơn hàng vẫn bị nợ của khách khá nhiều.

Khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố cũng thấy lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, chiếm tới 35,4%.

Theo Ban IV, do việc thực hiện phong tỏa, cách ly/giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh/thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn, các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau. Điều này gây ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương, địa bàn hiểu một kiểu. Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông “trừ hàng cấm” thì các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn.

 

Điều này còn làm gia tăng chi phí vận chuyển, vì thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần, chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, bao gồm chi phí xét nghiệm của lái xe. "Vấn đề lưu thông nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa thành phẩm hết sức khó khăn ngay trên lãnh thổ Việt Nam liên tục được phản ánh trong thời gian qua, đồng thời cũng thể hiện trong nhiều nội dung phản ánh, kiến nghị mà các hiệp hội và doanh nghiệp gửi khẩn tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành", Ban IV cho hay.

Công nghệ là "chìa khóa"

Để duy trì và đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Ban IV cho biết các doanh nghiệp đề xuất: Cần tập trung các giải pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, tránh để bị phạt do chậm cung ứng hoặc bị hủy đơn hàng, mất khách hàng, mất thị trường và theo đó khó có thể phục hồi sau dịch.

Về vấn đề di chuyển và lưu thông hàng hóa, các doanh nghiệp đề xuất: Nhà nước cấp, sử dụng thống nhất mã QR Code trong quản lý đi lại, vận chuyển trên toàn quốc thay vì mỗi tỉnh, thành lại phát sinh các loại hình giấy phép khác nhau như hiện nay và không có giá trị sử dụng khi di chuyển liên tỉnh; Hỗ trợ tối đa cho hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu; Thống nhất từ Trung ương đến từng địa phương về phương án đảm bảo lưu thông hàng hóa. Các địa phương cần liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau tránh việc “ngăn sông cấm chợ cục bộ”.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất, chăn nuôi. Khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh, nhất là tôm nguyên liệu. Việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test COVID.

 

Cũng theo Bộ NN&PTNT, mảng logistics gặp khó khăn khi thực hiện hướng dẫn cấp giấy đi đường cho người lao động, việc hướng dẫn tại một số địa phương còn chưa sát thực tế, vẫn yêu cầu thực hiện đầy đủ mọi biện pháp phòng chống dịch đối với những cá nhân đã tiêm đủ vắc xin gây khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động, thương lái... thu mua, sản xuất và xuất nhập khẩu.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết bản thân ông rất chia sẻ về nỗi lo của các lãnh đạo địa phương trong việc đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, ông cho rằng các cấp cơ sở của ngành nông nghiệp cần thiết lập một Cổng thông tin về tình hình cung ứng - tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp, trong đó có sự tham gia của các lãnh đạo địa phương.

"Chúng ta hình thành cổng thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên giá cả để lãnh đạo địa phương biết hàng hóa tắc ở chỗ nào. Chúng ta hoàn toàn có thể làm việc trực tuyến với nhau, giảm câu chuyện phải trình báo thế này, thế kia.Cũng như khi vấn đề ách tắc, vướng mắc trải ra trên bàn lãnh đạo địa phương, trước cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh thì tôi tin địa phương sẽ cùng tham gia với chúng ta hơn là mình cố gắng tự giải quyết tình huống cụ thể", Bộ trưởng NN&PTNT chia sẻ.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường
Để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện số 1099/CĐ-TTg và Công điện số 1102/CĐ-TTg, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong đó, liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.




 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm